TP Hồ Chí Minh: “Cao bồi” vùng ven
XÃ HỘI.- Đã có người trở thành triệu phú sau vài năm làm dịch vụ chăn nuôi, chăm sóc bò sữa
Cùng với phong trào chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh ở ngoại thành TPHCM, một nghề mới đã ra đời thu hút đông đảo lao động các địa phương tham gia. Đó là “dịch vụ chăn nuôi bò sữa’’, hay còn được gọi vui bằng một biệt danh thông dụng: “cao bồi” vùng ven.
Nghề ‘’cao bồi’’ giúp nhiều người thành triệu phú
Ông Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp 10, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi có thâm niên 5 năm trong nghề, lý giải: ‘’ Sở dĩ mọi người gọi chúng tôi là “cao bồi’’ bởi vì công việc này dễ làm người ta liên tưởng đến những tay chăn bò ở miền Viễn Tây của Mỹ, do cuộc sống của tụi tôi gắn liền với bò: từ chuyện cắt cỏ, chăm sóc, tắm rửa, đến vắt sữa, dẫn bò đi thả ở đồng cỏ... và kiêm luôn việc phòng chống trộm bò... vào ban đêm. Một ngày 24 tiếng, thì 18 tiếng dành trọn cho bò sữa...’’.
Hiện có khu vực hình thành hẳn những xóm “cao bồi’’ với gần 40, 50 hộ đều tham gia làm nghề này như ở xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi); phường Tân Chánh Hiệp, Thới An (quận 12); xã Tân Xuân, Đông Thạnh (huyện Hóc Môn)... Phần lớn họ ký hợp đồng hẳn hoi với các chủ trại, hộ chăn nuôi để đến chăm sóc, quản lý bò vào tất cả thời gian trong ngày với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, điển hình là làng “cao bồi’’ ở nông trường bò sữa An Phú (huyện Củ Chi), Toàn Thắng (quận Tân Bình), Tân Xuân (huyện Hóc Môn)...
Còn “cao bồi nghiệp dư’’ chủ yếu chỉ làm công việc cắt cỏ và vắt sữa thuê và cũng là nghề đang thu hút đông đảo lao động địa phương tham gia nhất. Với phương tiện chuyên chở là chiếc xe gắn máy, xe đạp cà tàng và dụng cụ đựng sữa là những chiếc bình nhựa dung tích 30 lít... mỗi ngày họ đi vắt sữa 2 đợt từ 6-9 giờ và từ 15 - 17 giờ, được khoảng 200 lít sữa tươi, trả cho chủ nuôi là 2.700 đồng/ lít, đem đến bán cho các trạm trung chuyển thu mua sữa với giá 3.200 đồng/ lít, trừ đi chi phí xăng nhớt, ăn uống..., mỗi “cao bồi’’ được lãi khoảng 80.000 đồng/ngày. Thời gian còn lại của buổi trưa và chiều, họ đến các bưng, cánh đồng dọc các bờ sông để cắt cỏ. Bình quân mỗi ngày mỗi người cắt được từ 8-10 bao cỏ, thu nhập từ 50.000 - 60.000 đồng/người/ngày. Tính ra, thu nhập từ vắt sữa, cắt cỏ mướn của mỗi “cao bồi’’ có sức khỏe là từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng, cao gấp 10 lần làm công nhân. Nhiều hộ diện xóa đói giảm nghèo sau một thời gian làm nghề này đã có cuộc sống ổn định, khấm khá, sắm sửa đầy đủ các tiện nghi gia đình, cất nhà, cho con em đi học trở lại... Điển hình có những người từ hai bàn tay trắng đã trở thành triệu phú sau 3 - 4 năm theo nghề như ông Nguyễn Văn Hoa, ngụ khu phố 3, phường Thới An; Lê Văn Huệ, ấp Mỹ Huề, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn; Trần Văn Ý, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi... Hiện họ đã thành lập những tổ nhóm dịch vụ chăm sóc bò sữa hẳn hoi với nhân công 7-8 người và đầu tư mở các trại bò nhỏ từ 20 - 30 con, thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm/hộ.
Nên có một hội nghề nghiệp
“Nghề này coi vậy mà công phu lắm, đừng tưởng thu nhập cao mà “dễ ăn’’, nào là phải thức khuya dậy sớm, vừa đòi hỏi phải có sức lao động bền bỉ để “chạy sô’’ cắt cỏ, vắt sữa nhiều nơi, vừa đòi hỏi phải có kỹ thuật khéo léo. Muốn vắt được nhiều sữa phải luyện đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, phải vắt nhanh để sữa không bị kết tủa. Còn cắt cỏ mà để cỏ hôi lẫn vào, bò chê không ăn thì coi như bị tẩy chay, chủ trại sẽ không thèm mua nữa...’’, “triệu phú cao bồi’’ Nguyễn Văn Hoa đã tâm sự với chúng tôi như vậy.
Nghề này cũng lắm rủi ro, họ phải đề phòng rắn, rết cắn khi đang cắt cỏ ở ruộng hoang, còn vắt sữa mà không đúng kỹ thuật làm bò bị viêm vú thì phải đền tiền cho chủ. Ở huyện Củ Chi, có trường hợp một “cao bồi’’ nhận giữ bò vào ban đêm, lại ngủ quên nên bị trộm bắt mất 6 con bò, phải đành bán cả ruộng của gia đình để bồi thường thiệt hại...
Dịch vụ chăm sóc bò đang phát triển khá nhanh ở ngoại thành hiện nay dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh của giới làm nghề này. Đã có tình trạng ẩu đả giữa các “cao bồi” để giành cỏ cắt và bỏ nước lã vào sữa, đong sữa gian lận để thu lợi được nhiều... Do vậy, mong muốn của họ là sớm có một hội nghề nghiệp cho những người cùng nghề... để quản lý, hướng dẫn cũng như bảo vệ quyền lợi cho những người theo nghề. Ông Võ Văn Tốt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận 12, cho biết lượng người tham gia các nghề dịch vụ “chăm sóc bò sữa’’ ngày càng gia tăng cùng với nghề nuôi bò sữa đang phát triển mạnh như hiện nay. Họ rất cần có những tổ hội, nghiệp đoàn để định hướng, tổ chức và hỗ trợ cho họ trong công việc nhằm xóa đói giảm nghèo có hiệu quả.