TPHCM ghi nhận công lao các nhà khoa học

20 giờ tối nay, 12-10, tại Hội trường TPHCM sẽ diễn ra lễ khen thưởng các nhà khoa học và giao lưu đối thoại với thanh niên TP trong khuôn khổ “Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Giáo dục đại học”. Có 25 tập thể, cá nhân nhà khoa học được UBND TPHCM khen thưởng trong dịp này.

Đây là lần đầu tiên, TP tổ chức khen thưởng các nhà khoa học có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp phát triển TP. Báo NLĐ xin giới thiệu hai trong số
nhiều gương mặt tiêu biểu nói trên

Nhà sinh học và kế hoạch nhân giống 600.000 con bò sữa

Khiêm tốn và ít kể về mình là đặc điểm của PGS-TS Ngô Kế Sương. Tuy nhiên, ông lại rất hào hứng khi nói về công việc của mình, một chuyên gia công nghệ sinh học. Ông cho biết, ngành công nghệ sinh học ở TPHCM đang có những bước phát triển tốt đẹp. Các nhà sinh học tại TPHCM đã xây dựng được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, cấy chuyển phôi ở bò, xây dựng kỹ thuật phân biệt giới tính ở phôi, cất phôi và nuôi phôi... Từ đó, tác giả chương trình phát triển 600.000 bò sữa trong cả nước (đến 2010). Không chỉ có vậy, các nhà sinh học tại TPHCM cũng đã bước đầu làm quen với một số kỹ thuật nhân bản như thụ tinh và bảo vệ nguồn gien bằng kỹ thuật siêu lạnh... Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Kế Sương không khỏi băn khoăn khi việc ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tế sản xuất để phát triển kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế. Ngay ở khâu đào tạo, phần lớn sinh viên chỉ được học chay nên khi ra trường thiếu ý thức áp dụng kiến thức vào thực tế. Nhiều nhà khoa học có ý tưởng hay nhưng không đời nào doanh nghiệp lại chịu đầu tư vào ý tưởng của nhà khoa học nếu không thấy được sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, một loạt những vấn đề lớn của xã hội hiện nay như nước thải, rác thải... lại đòi hỏi phải phối hợp đồng bộ liên ngành (nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhân dân...) mới có thể quản lý được.

Trước những ưu tư đó, trong vai trò là Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TPHCM, PGS-TS Ngô Kế Sương cho biết, liên hiệp hội đang thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng lực lượng khoa học kỹ thuật ở TPHCM”. Đồng thời, liên hiệp hội cũng đứng ra tổ chức những đề tài mang tính liên ngành nhằm giải quyết một số vấn đề bức bách và cấp thiết của TP.

Kim Anh

 Tiểu sử: Sinh năm 1938, tốt nghiệp Khoa Sinh Đại học Lomonosov (Liên Xô) từ khi mới 24 tuổi, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) khoa học Ngô Kế Sương đã có nhiều đóng góp cho công cuộc phát triển ngành công nghệ sinh học của đất nước. Những năm 60-70, ông công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước. Năm 1975, ông được cấp trên điều vào Nam tham gia thành lập Viện Khoa học - Kỹ thuật B2 (sau này là Phân viện Khoa học Việt Nam tại TPHCM) và từ 1993 là Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia. Từ 1993-1999 giữ chức Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới. Hiện nay là Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật TPHCM.

 

 

 

“Ông vua” chế tạo dây chuyền công nghệ thực phẩm

 

 Lưng áo mướt mồ hôi, vừa thoăn thoắt chỉ dẫn công nhân lắp ráp máy vừa trả lời điện thoại khách hàng liên tục là hình ảnh thường thấy của kỹ sư Võ Hoàng Liệt tại cơ sở của anh, số 360 bis Bến Vân Đồn, P.1, Q.4 - TPHCM.

Hơn 100 hợp đồng chế tạo máy móc, thiết bị mỗi năm. - Anh Liệt cho biết thời gian qua có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề có nên phát triển ngành cơ khí không? Theo anh, nhu cầu về máy móc thiết bị cơ khí lúc nào cũng có, thậm chí ngày càng tăng. Hàng năm, Trung tâm Phát triển công nghệ và thiết bị (Liduta) nhận hơn 100 hợp đồng chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ ngành công nghệ thực phẩm. Tính ra mỗi tháng trung tâm phải giải quyết hơn chục hợp đồng. Hợp đồng lớn hay nhỏ, có mẫu sẵn hay mới chỉ là ý tưởng phác thảo của khách hàng anh đều nhận làm. “Khách hàng đã tin tưởng tìm đến thì mình phải làm. Những mặt hàng mới khách hàng còn dám bỏ tiền ra để thể nghiệm thì tại sao mình lại do dự từ chối”- anh nói. Những sản phẩm do Liduta làm ra có giá thành chỉ bằng 1/3 đến 1/5 máy ngoại. Khách hàng của anh không chỉ là người Việt Nam mà còn là khách ngoại quốc. Anh kể, một lần có một ông khách Tây đến Liduta tham quan tìm hiểu máy đóng nút chai tự động. Sau khi hỏi về tính năng, giá cả, ông khách... bỏ về. Lúc đó, anh nghĩ chắc hàng của mình không “ép phê” nên khách ngoại “chê”. Bất ngờ, 2-3 ngày sau ông khách trở lại ký hợp đồng đặt hàng với Liduta và tiết lộ: Đầu tư một dây chuyền sản xuất gồm máy vô chai, đóng nút, dán nhãn của châu Âu phải đến 700.000 USD. Trong khi đó, cơ sở anh làm hai máy đóng nút và dán nhãn chỉ với giá 300 triệu đồng. Còn đặt luôn một dây chuyền với 3 máy chỉ mất... 100.000 USD.

Không chỉ dừng lại ở việc chế tạo tốt các mặt hàng có sẵn mẫu mã, anh còn chịu khó mày mò nghiên cứu thiết kế những mẫu mới và theo ý tưởng của khách hàng. Phòng làm việc của anh chất đầy những tạp chí khoa học kỹ thuật. Anh Liệt tâm sự, những kiến thức trong các tài liệu sách vở mới chỉ là kiến thức nền tảng cho công việc của anh. Bản thân anh phải nỗ lực thăm dò thực tế, xem xét nhu cầu của thị trường, đón đầu trước.

Mục đích phấn đấu: Thay hàng ngoại bằng hàng nội.- Với sự năng động, không ngại khó, tìm tòi cái mới, dám nghĩ dám làm, nên ở tuổi 41 kỹ sư Võ Hoàng Liệt đã cho ra đời nhiều công trình thiết thực cho cuộc sống. Năm 1990, anh là người đầu tiên chế tạo ra dây chuyền sản xuất mì ăn liền. Sau đó là hàng loạt các sản phẩm khác như: dây chuyền chiết rót vỏ chai đóng nắp, máy dán nhãn tự động, dây chuyền tinh luyện dầu ăn, dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan... Cơ sở của anh với 40 công nhân không lúc nào ngớt tay. Và những nghiên cứu ấy đã đem về cho anh rất nhiều phần thưởng: Giải A Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM năm 1990, giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 1991, Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, Huy chương Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Bởi vậy, không lạ gì khi nhiều khách hàng gọi anh là “ông vua” chế tạo dây chuyền công nghệ thực phẩm. Mục đích phấn đấu lớn nhất của kỹ sư Võ Hoàng Liệt là đáp ứng nhu cầu về máy móc, thiết bị cho các cơ sở sản xuất thay vì phải sử dụng máy ngoại. Anh khẳng định, ngành cơ khí Việt Nam có đủ tiềm năng và tiềm lực để chế tạo các loại máy móc thiết bị phục vụ cho nhiều ngành sản xuất trong nước.

KIM OANH

 

 

Danh sách 25 tập thể, cá nhân nhà khoa học được đề nghị khen thưởng

12 tập thể

1. Hội Tin học TPHCM (Liên hiệp Các hội KHKT TP); 2. Hiệp hội Nhựa TPHCM (Liên hiệp Các hội KHKT TP); 3. Tập thể thầy, cô giáo Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu (Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu - Sở GD-ĐT); 4. Ban Chủ nhiệm đề tài  “Xây dựng hệ thống bài soạn môn giáo dục công dân trong trường trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh”. (Chủ nhiệm: CN Nguyễn Trọng Chức) (Sở GD-ĐT); 5. Nhóm tác giả của tác phẩm “Năm mươi năm truyền thống ngành giáo dục – đào tạo TPHCM (1945 – 1975)”. (Chủ nhiệm: Ông Phan Trọng Tân) (Sở GD-ĐT); 6. Tập thể Ban Chủ nhiệm công trình khoa học: “Nghiên cứu mô hình đầu tư & hình thức khuyến khích, quản lý thích hợp cho dịch vụ khám chữa bệnh tại TPHCM”. Đề tài được nghiệm thu cấp TP đạt loại xuất sắc. (Chủ nhiệm đề tài: BS Trương Xuân Liễu – nguyên Giám đốc Sở Y tế) (Sở Y tế); 7. Phòng Kinh tế Kỹ thuật (Công ty Cao su Thống Nhất - Sở Công nghiệp); 8. Xí nghiệp Bao bì Liksin (Công ty Sản xuất Kinh doanh – XNK giấy in và bao bì Liksin - Sở Công nghiệp); 9. Xí nghiệp Nhựa (Công ty Nhựa Sài Gòn - Sở Công nghiệp); 10. Xưởng Kỹ thuật (Công ty CP Chế tạo máy Sinco - Sở Công nghiệp); 11. Tập thể biên soạn công trình “TPHCM tự giới thiệu” (Trung tâm Khoa học Xã hội – Nhân văn); 12. Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ trẻ (Thành đoàn TPHCM).

13 cá  nhân

1. GS-BS Nguyễn Chấn Hùng (Giám đốc Trung tâm Ung Bướu); 2. TS Lê Văn Khôi (nguyên Phó Giám đốc sở và Chủ tịch Hội đồng KHKT Sở NN&PTNT); 3. KS Huỳnh Văn Quang (Phó Giám đốc Công ty Giống cây trồng - Sở NN&PTNT); 4. KS Nguyễn Văn Tân (Giám đốc Xí nghiệp Heo giống cấp 1 - Sở NN& PTNT); 5. PGS-TSKH Ngô Kế Sương (Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT TP); 6. GS-TS Nguyễn Hữu Niếu (Trưởng Khoa Vật liệu, Giám đốc Trung tâm Vật liệu Polyme, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM); 7. PGS-TS Ngô Kiều Nhi (Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM); 8. PGS-TS Dương Thanh Liêm (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm); 9. GS-TS Phạm Văn Biên (Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam); 10. CN – NGƯT Phan Thị Xuân (nguyên Hiệu trưởng Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu); 11. CN-NGƯT Nguyễn Trung Hiếu (nguyên Hiệu phó Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu); 12. TS Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện Kinh tế TP); 13. KS Võ Hoàng Liệt (Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ và thiết bị).