“Trai tân” yêu cuộc sống biên cương

Họ là những chàng trai trẻ nhưng sẵn sàng đi và cống hiến sức xuân cho Tổ quốc, kể cả khi phải lên miền biên viễn

“Trai tân” yêu cuộc sống biên cương Họ là những chàng trai trẻ nhưng sẵn sàng đi và cống hiến sức xuân cho Tổ quốc, kể cả khi phải lên miền biên viễnỞ độ tuổi đôi mươi nhưng những thanh niên trẻ mà tôi có dịp gặp gỡ ở Đồn Biên phòng 409 Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã dám chấp nhận thử thách và gian khổ để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng nơi biên cương. Họ đều là những người yêu cuộc sống vùng biên và hiểu nghĩa vụ thiêng liêng của một người lính biên phòng.

img
Giàng A Vàng (trái) và Bùi Hải Tâm- hai chiến sĩ biên phòng ở biên cương Tổ quốc

“Em đi bộ đội cả nhà đều vui”

Sinh năm 1988, vừa bước sang tuổi 21, Giàng A Vàng là chiến sĩ đặc biệt trong Đồn Biên phòng 409. Lần đầu tiên gặp, Vàng đã xung phong vác đồ cho tôi vượt suối để vào đồn. “Để em vác đồ cho nhà báo”- Vàng luôn giúp đỡ mọi người và đáp lại những câu hỏi của tôi rất lễ phép: “Dạ! Vâng ạ”. Sau này tìm hiểu, chúng tôi mới biết Vàng là người H’Mông và là em út trong Đồn 409. Giàng A Vàng quê ở xã Sín Phình (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). Chàng trai này kể chuyện rất vô tư, hồn nhiên: “Nhà em có bảy anh em. Em là con thứ hai. Nhà em cách thị trấn Tủa Chùa 9 km. Em được đi bộ đội cả nhà vui lắm”.

Có một điều đặc biệt ở chàng trai người H’Mông đáng yêu này mà những cán bộ Đồn 409 thường “nhắc” chúng tôi là: Giàng A Vàng đã tốt nghiệp lớp 12, tức là có trình độ tú tài! Chuyện học của người H’Mông ở những miền cao biên giới chẳng phải dễ dàng. Có những bản làng người H’Mông chẳng ai học hết cấp 2 chứ đừng nói có bằng tốt nghiệp cấp 3. Trung tá Vũ Đức Lâm- Đồn trưởng Đồn 409 - khoe về chàng lính mới này: “Ban Chỉ huy đồn đang có ý định cử Vàng theo học trung cấp biên phòng. Nguyện vọng của cậu ấy là muốn trở thành người lính quân hàm xanh. Không nhiều thanh niên người H’Mông có chí học hành như Vàng đâu”.

Những điều trung tá Lâm kể về Vàng càng làm chúng tôi tò mò hơn về chàng trai này. Những ngày cùng ăn, cùng ở với anh em trong đồn biên phòng, chúng tôi phát hiện Vàng vừa có nét đáng yêu của một thanh niên dân tộc lại vừa có phẩm chất rắn rỏi của một người lính biên phòng. Giàng A Vàng tâm sự: “Từ ngày còn bé, hình ảnh chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vẫn là hình ảnh cao đẹp trong em. Em còn được thầy giáo là Bộ đội Biên phòng dạy học”.

Canh giữ dải đất quê hương

Một đồng đội khác của Giàng A Vàng, lớn hơn anh một tuổi là Bùi Hải Tâm (SN 1987) cũng đang khát khao được trở thành người lính làm nhiệm vụ canh giữ dải đất biên cương. Tâm kể: “Ông bà em quê gốc Thái Bình. Năm 1954, ông ngoại em tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ rồi theo tiếng gọi của Đảng ở lại đây định cư luôn”. Bố mẹ của Tâm hiện đang sống ở TP Điện Biên Phủ (Điện Biên),  bản thân chàng trai này cũng sinh ra và lớn lên ở TP nhưng lại thích được lăn lộn nơi biên cương Tổ quốc và yêu hình tượng người lính biên phòng.

Tâm bảo rằng lúc đầu lên đồn biên phòng không phải đã thích nghi ngay được. Những chuyến đi tuần trong rừng sâu để bắt tội phạm ma túy, những lần đi dọc hành lang biên giới để giữ gìn cột mốc thực sự là một thử thách với Tâm. “Đi bộ đường núi nhiều tới mức em có cảm giác chân mình cứng lại, muốn rời ra nhưng bây giờ thì quen hơn rồi”- Tâm nhớ lại những ngày đầu khoác lên mình bộ quân phục chiến sĩ biên phòng. Còn giờ thì Tâm đã trở thành một chiến sĩ năng nổ, nhiệt tình của Đồn 409 và cũng muốn trở thành một người lính canh giữ chủ quyền biên giới.

Trốn lấy vợ và cất người yêu một góc

Giàng A Vàng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện trốn lấy vợ để đi bộ đội của mình: “Bố mẹ em muốn em thực hiện nghĩa vụ quân sự xong thì về nhà để lấy vợ vì với người H’Mông, tuổi của em là đã có vài đứa con rồi. Nhưng em sẽ ở lại đồn để phấn đấu tới khi được đi đào tạo trở thành người lính biên phòng chuyên nghiệp”. Bùi Hải Tâm cũng có một nỗi niềm khác. Anh đã có người yêu học CĐ Sư phạm Điện Biên đang sống ở TP. Tâm thủ thỉ rằng: “Em nhớ bạn gái lắm nhưng lên đây rồi thì người yêu cũng phải cất một góc vì nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc!”.