Trâu, bò lậu lũ lượt tràn qua biên giới

Trâu, bò lậu từ Campuchia qua đến VN, mỗi con lời từ 200.000 – 250.000 đồng. Chỉ riêng tỉnh An Giang, mỗi ngày có đến hàng trăm trâu, bò lậu được nhập vào. Tất nhiên, hầu hết số gia súc này chưa hề được kiểm dịch

Sáng 22-7, chúng tôi có mặt tại biên giới Tây Nam, phần thuộc tỉnh An Giang - khu vực mà những ngày qua tình trạng nhập lậu trâu, bò diễn ra hết sức nhộn nhịp. Ở tuyến biên giới này, mỗi ngày có đến hàng trăm con trâu, bò lậu, chưa được kiểm dịch từ Campuchia, theo mọi ngả đường được các tay buôn “vô tư” lùa về VN.

Thâm nhập những điểm nóng

Sau một thời gian trầm lắng, những ngày gần đây, chợ trâu, bò Tà Ngáo, ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang) nhộn nhịp hẳn lên, do nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước đang tăng. Theo các thương lái, hiện nay ở An Giang có 2 điểm nóng nhất được các tay buôn tập trung để mua trâu, bò lậu là xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) và xã An Phú (huyện Tịnh Biên), giáp ranh với nước bạn Campuchia.

Trong vai người tìm mua trâu, bò với số lượng lớn đem về TPHCM bán kiếm lời, chúng tôi gặp Bình cò - một thương lái trâu, bò có tiếng nhưng đã giải nghệ từ lâu. Bình cò hướng dẫn: “Mấy anh muốn mua bò, bán lại có lời cao thì chọn những con lông trắng, sừng dài, nhọn, thân hình dong dỏng cao... Vì chắc chắn đó là bò từ Campuchia nhập lậu sang, chắc thịt, dễ bán lại được giá”.

Được biết, để có số lượng lớn trâu, bò đáp ứng thị trường trong nước, mỗi ngày, các tay buôn thường vào tận phum, sóc của người Khmer gom hàng. “Phần lớn trâu, bò tuồn vào VN được mua từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Campuchia với giá khá rẻ. Bên cạnh đó, gần đây, do nắng gắt kéo dài, các cánh đồng khô hanh, nguồn thức ăn cho trâu, bò cạn kiệt nên nông dân Campuchia đành bán tháo”- một tay buôn lâu năm ở tuyến biên giới Tịnh Biên tiết lộ.

Cơ quan chức năng bó tay?

Từ hướng dẫn trước đó của Bình cò, chúng tôi tìm đến chợ Tà Ngáo, cũng trong vai những người mua bò đưa về VN kinh doanh. Ở đây, chúng tôi gặp V. và đưa ra yêu cầu: “Tụi này cần số lượng lớn trâu, bò, ông đáp ứng được không?”. V. nhếch mép, cười khì: “Tưởng gì, về số lượng thì thằng này bảo đảm với mấy ông anh mua bao nhiêu cũng có. Nếu cần, tôi lo luôn cho mấy anh giấy kiểm dịch, phương tiện vận chuyển”.

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài phương thức phổ biến là dẫn dắt từng đàn, hiện nay các tay buôn còn dùng ghe, xuồng có trọng tải lớn để vận chuyển trâu, bò qua biên giới. Cặp theo kênh Vĩnh Tế, cứ độ vài trăm mét là có một trại “rọng” (nhốt) trâu, bò được dựng lên. Người dân địa phương cho biết: Những chuồng, trại nhốt trâu, bò trên kênh Vĩnh Tế là của các thương lái, dùng để tập trung hàng, sau khi trâu, bò lậu đã trót lọt qua biên giới theo từng nhóm nhỏ. Trong khi đó, tuyến biên giới Tây Nam hiện vẫn đang cấm nhập khẩu trâu, bò. Một cán bộ của UBND huyện Tịnh Biên phân bua rằng: “Do mua trâu, bò từ Campuchia với giá rẻ, bán lại cho thị trường trong nước giá cao, nên các tay buôn tìm mọi cách để qua mặt các ngành chức năng. Vì thế, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát việc buôn lậu này (!?)”.

Rời chợ bò Tà Ngáo, chúng tôi quay ngược trở lại biên giới Tây Nam đến điểm tập kết trâu, bò ở khu vực núi Tà-Gò, bên kia cánh đồng Nam Đưng, huyện Kinivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia). Chiều xuống, dân buôn lậu chực chờ thời điểm thích hợp để lùa trâu, bò qua biên giới.

Vượt trạm

T., một tay buôn lâu năm, cho chúng tôi biết: Để đưa được trâu, bò lậu về VN, từ bên kia biên giới, các thương lái phải chuẩn bị “hàng” sẵn. Sau đó, đợi lúc trời tối sẩm hoặc vừa hừng sáng, dân buôn sẽ lùa trâu, bò qua kênh Vĩnh Tế từng tốp một. Với chất giọng hùng hồn, T. tự tin kể tiếp: “Thằng này có hơn chục năm trong nghề buôn lậu trâu, bò qua biên giới mà chưa gặp phải trục trặc nhỏ nào. Nếu lỡ bị các cơ quan chức năng phát hiện, mình giả lả nói rằng dắt bò đi ăn đồng bên nước bạn. Dễ ợt (!?)”. Khác với T., để vượt trạm, Đ., một thương lái khác, thường phải “lót tay” cho lực lượng chống buôn lậu ở biên giới. Theo Đ., để dẫn trâu, bò về VN thì ít nhất phải chi từ 300.000 - 500.000 đồng cho mỗi chuyến (tùy theo số lượng nhiều hay ít). Chi phí này xem ra không cao, vì bình quân, mỗi con thoát lậu vào VN, các tay buôn lời từ 200.000 - 250.000 đồng.