Treo thư Bác để làm theo lời Bác

Với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, treo thư Bác là để tỏ lòng tôn kính và nhắc nhở con cháu phải thật sự thương yêu, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau

Là tỉnh nằm tận cực Bắc của Tây Nguyên, Kon Tum có nhiều dân tộc từ các vùng miền tập trung về cộng cư, trong đó có 6 dân tộc bản địa, lâu đời là Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu và Rơ Mâm. Từ năm 2006, tỉnh Kon Tum đã có chủ trương treo thư Bác (thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946) tại Nhà Rông của làng để bà con học tập và làm theo lời Bác.


Treo ở nơi trang trọng nhất


Thư của Bác được treo ở những nơi trang trọng nhất trong Nhà Rông, được đồng bào bảo quản và giữ gìn cẩn thận. Theo thống kê, toàn tỉnh Kon Tum có 515 Nhà Rông (tính đến thời điểm năm 2009) thì cũng có 515 bức thư của Bác được treo ở những ngôi nhà này.

Đó là tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Bác và là việc làm rất phù hợp khi Đảng ta phát động cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Chúng tôi được ông Trương Duy Cảnh, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ phường Lê Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, dẫn đi thăm một số Nhà Rông trên địa bàn. Phường Lê Lợi có 2 làng đồng bào dân tộc Ba Na là Plei Rơ Hai 1, 2 và 5 tổ dân phố, tất cả đều treo thư Bác tại nơi trang trọng nhất của Nhà Rông hoặc hội trường tổ dân phố.

Ông Cảnh cho biết: “Năm 2006, tôi lên Ủy ban MTTQ thị xã Kon Tum để nộp báo cáo, khi đến văn phòng thì thấy còn 12 thư Bác được lồng trong khung gỗ rất đẹp liền xin về cấp cho mỗi tổ dân phố 1 bức”.


img
Già A Hưu với thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946


Từ treo thư Bác ở Nhà Rông, hiện nay đã có người treo thư Bác ở nhà mình, đó là già A Hưu, 87 tuổi, trú tại làng Plei Rơ Hai 1. Già A Hưu trước kia theo học ở Quy Nhơn (năm 1942), sau trốn theo cách mạng thì bị Pháp bắt tại đèo An Khê, bỏ tù 6 tháng.

Sau đó, già được người quen làm việc trong chính quyền Pháp bảo lãnh và theo học nghề giáo. Trải qua nhiều gian khổ, sống qua 2 chế độ nên già A Hưu càng thấm thía, càng hiểu những thành quả có được hôm nay là nhờ nhân dân các dân tộc đã học tập, làm theo lời Bác, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương.

Già nói: “Treo thư Bác, ngoài việc tỏ lòng tôn kính còn có ý nghĩa nhắc nhở con cháu các dân tộc phải thật sự thương yêu, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau mà thuở sinh thời Bác Hồ từng mong ước”. Nguyện vọng của già là mỗi người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có thư Bác treo trong nhà. “Thư Bác treo ở nhà không cần lớn như thư treo ở Nhà Rông đâu” – già A Hưu nói.


Khẳng định niềm tin son sắt


Theo ông Trương Duy Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Lê Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, nhờ học tập làm theo Bác mà thời gian qua bà con đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp hàng ngàn ngày công cùng với chính quyền mở đường, xây dựng bộ mặt đô thị văn minh...

Tương tự như phường Lê Lợi, xã Chư Hreng (TP Kon Tum) có 4 làng của đồng bào dân tộc thiểu số thì 3 làng đã treo thư Bác tại Nhà Rông, làng còn lại vì đang làm Nhà Rông nên chưa thực hiện việc này.

Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Chư Hreng, nói: “Thư của Bác gửi cho đồng bào các dân tộc thiểu số nên nhiều người muốn treo lắm nhưng không có để treo. Xã này có một số gia đình người dân tộc thiểu số treo thư Bác tại nhà. Những người này trước đây là thôn trưởng, già làng... thường đi họp hoặc dự đại hội dân tộc thiểu số nên có thư Bác”.

Ông Độ cho biết ngoài việc treo thư Bác tại Nhà Rông, xã  Chư Hreng còn tổ chức đọc thư Bác trong các buổi họp làng, hay vào dịp tổ chức các ngày hội đoàn kết khu dân cư.


Chia tay những người dân Ba Na, chia tay những người tâm huyết như ông Cảnh, già A Hưu, trong tôi vẫn còn mãi ý nguyện tuy rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống của họ: Mỗi gia đình có thư Bác để luôn học tập và làm theo lời Bác! Đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, tiếp tục khẳng định niềm tin son sắt với Đảng, với Bác Hồ.

Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ

Sáng 15-5, UBND quận 10-TPHCM đã tổ chức trồng cây trên tuyến đường Thành Thái để chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Hồ, hưởng ứng tuần lễ quốc gia nước sạch và ngày môi trường thế giới.

Quận còn phát động phong trào vệ sinh đường phố; kêu gọi người dân tiết kiệm điện, nước...


Trước đó, tối 14-5, Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM đã tổ chức chung kết hội thi văn nghệ “Những bông hoa trong vườn Bác”. Dịp này, CLB Sưu tập tem Nhà Văn hóa Phụ nữ cũng khai mạc triển lãm tem bưu chính “Người là niềm tin tất thắng”.

Thư - Nhàn