Trở lại làng chài Hàn Mặc Tử

Bình Định đang trong những ngày hội lớn Festival Tây Sơn lần thứ nhất, khiến khách du lịch tham quan trại phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn) khá đông. Ít ai biết được, cách đó không xa, những thanh niên trai tráng là con em bệnh nhân phong ở “thung lũng tình thương” vẫn dong thuyền vượt ngàn khơi

Đó là làng chài Hàn Mặc Tử, nằm khuất nẻo ở trại phong. Đây chính là nơi nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử gửi nắm xương tàn, vì bệnh phong- khi ấy chưa có thuốc chữa trị.

Chuyện ở làng chài.- Thực ra, Nguyễn Trọng Trí- tên thật của nhà thơ Hàn Mặc Tử - sinh ra tại Quảng Bình năm 1912 và mất năm 1940 tại Quy Hòa. Tuy nhiên, sau đó, Hàn phiêu bạt cùng với gia đình và gắn bó với mảnh đất này trong những năm tháng cuối đời và ra đi ở độ tuổi 28. “Trong những ngày tháng đó, vào đêm trăng thanh vắng, Hàn vẫn thường ra làng chài này nhìn về phía đại dương với một màu đen hun hút”- bà Hạnh, người sống thọ hơn 100 tuổi, giờ tóc đã một màu bạc trắng kể lại trong khó nhọc. Nhưng hình ảnh của ngày xưa vẫn hiện về trong bà.

Mục đích ban đầu của linh mục Paul Mahue (1869-1931) khi xây dựng làng phong là tìm một địa điểm cách biệt với cuộc sống bên ngoài để làm nơi điều trị và an dưỡng cho những bệnh nhân phong, khi đó được xem là căn bệnh nan y. Quy Hòa hình thành ở những năm 30 của thế kỷ trước. Ban đầu, Bệnh viện Laproserie de Qui Hoa chỉ gồm một vài căn nhà xây để làm nơi điều trị. Nơi ở của các soeur và nhà của bệnh nhân là những ngôi nhà tranh vách đất. Năm 1932, sau một trận bão khủng khiếp, toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân trong trại bị cuốn phăng, các soeur thuộc dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ (Franciscan missionaries of Mary) đã vận động từ nhiều nguồn tài trợ để tái thiết bệnh viện. Cũng thời điểm này, giám đốc bệnh viện - soeur Charles Antoine - và người phụ tá của mình là soeur Ozithe đã đặt ra chương trình xây dựng lại bệnh viện và xây dựng nhà ở để bệnh nhân phong có nơi trú ngụ lâu dài.

Cùng với bệnh viện, làng chài cũng xuất hiện theo. Đó chỉ là vài chiếc ghe, xuồng nhỏ của thanh niên trai tráng con em bệnh nhân phong sống tạm bợ để cải thiện thêm với con tôm, con cá bên bờ biển dài tuyệt đẹp. Sau này, khi Hàn qua đời, làng chài này lấy tên là Hàn Mặc Tử.

Ông Tư Thành, một bệnh nhân phong điều trị tại đây từ năm 60 của thế kỷ trước, kể rằng khi ông đến điều trị và lập nghiệp tại mảnh đất này thì đã có làng chài. Sau này, các con ông đều đóng ghe giống như bà con trong xóm đánh bắt cá, tôm, mực để bán cho ngôi chợ gần đó kiếm thêm thu nhập. “Nhưng ghe thuyền ở đây nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ thôi. Ngoài ra, nhiều nhà cũng làm chòi (rớ) để bắt cá, tôm, cua. Làm rớ chỉ cần đan chiếc thúng nhỏ”- ông Tư cho biết khi đang cùng hai cậu con trai loay hoay sơn quét lại đáy chiếc thuyền nhỏ chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Hai tay ông Tư cong vẹo vì di chứng bệnh phong, còn các con ông khỏe như vâm.

Trên mảnh đất rộng khoảng 60 ha với hàng ngàn nhân khẩu, chỉ có độ 40 hộ tham gia làm nghề biển. Bác sĩ Vũ Bá Toàn, trưởng phòng hành chính tổng hợp của bệnh viện, vừa dẫn tôi đi tham quan làng chài vừa nói, bà con ở đây tuy tàn nhưng không phế. Ai có sức vóc thì học hành, hay làm nghề biển, có người đã thoát nghèo, dễ dàng hội nhập với cộng đồng, chứ không chịu đầu hàng bệnh tật.

Đạp bằng sóng dữ.- Bên cạnh những chiếc thuyền con nằm trên bãi thì vẫn có những thanh niên trong làng chài đang dong ghe, thuyền vượt ngàn khơi xa. Anh Trị, 32 tuổi, ngư dân của làng chài này, cho biết: “Học xong cấp 3, tôi thi rớt đại học và theo nghề biển giã. Mùa nào thức ấy, nếu chịu khó thì vẫn có cá”. Nói đoạn, anh cùng cậu em trai hò nhau đẩy con thuyền vượt bãi cát vàng, lao ra đại dương.

Những chiếc rớ nằm chỏng queo dưới rừng phi lao đang được gia cố đầy đặn để “cắm” xuống biển. Ngư dân ở đây sống nhờ rớ, họ có thể lặn sâu bắt cá, mực, tôm, tép. Ông Bảy Vạn, một bệnh nhân phong bị teo mất ba ngón tay đang đan lưới thuần thục, nói: “Quanh năm suốt tháng ở nhà ngồi không buồn quá, phải kiếm việc làm... Chiều nay ra khơi có cá là có tiền liền”.

Phía trong làng, những con người bị khuyết tật tứ chi, mắt mờ cũng đang cần mẫn đan lưới. Bà Lê Thị Huệ, với đôi tay bị cụt, cũng lia lịa đan lưới như những người bình thường. “Quê tôi ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), tôi vào đây trị bệnh và lập gia đình. Thế rồi thấy bà con xung quanh làm rớ, gia đình tôi cũng làm thêm. Biển yên sóng lành thì cũng kiếm được kha khá, sống qua ngày”. Thành, cậu con trai duy nhất của ông bà, mới thi vào Trường ĐH Quy Nhơn, cũng lao vào nghề biển mưu sinh.

Sáng sáng, làng chài này sống với muôn âm thanh như bao làng chài khác. Tiếng cười nói đang làm tan đi cái buồn u ám ở một làng phong. Sự sống, mưu sinh đang bắt đầu với những người biết yêu lao động.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh nhân ở đây đến từ nhiều tỉnh, thành: Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận cho tới Huế. Mỗi bệnh nhân phong được hỗ trợ 120.000 đồng/người/tháng; các em học sinh thì ăn học miễn phí, có xe đưa rước... Song, nói chung bà con ai cũng làm thêm đủ nghề để sinh sống. Họ sống và rất yêu đời trong ngôi làng mang tên thi sĩ Hàn Mặc Tử...