Trở lại Ngã ba Giồng

Thế hệ chúng tôi không biết hết những mất mát, đau thương mà cha ông đã phải gánh chịu và hy sinh trên mảnh đất Ngã ba Giồng lịch sử này, nhưng chúng tôi biết rằng mình có trách nhiệm phải cố gắng học tập và lao động để xây dựng nơi đây ngày càng giàu đẹp hơn

Ngã ba Giồng (còn gọi là Ngã ba Giồng Bằng Lăng) thuộc ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - TPHCM, một địa danh đã khắc sâu vào trí nhớ người dân không chỉ của cái ấp nhỏ này. Trong kháng chiến, thực dân Pháp đã sử dụng khu vực Ngã ba Giồng làm trường bắn. Tại đây, chúng đã xử bắn nhiều chiến sĩ Cộng sản và đồng bào yêu nước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng.

Khi chiến tranh qua đi, ấp 5 chỉ hơn 600 hộ, lại có đến 69 liệt sĩ và 48 gia đình chính sách. Tinh thần bất khuất ấy đã giúp họ vững tin tiến về phía trước. Và Ngã ba Giồng hôm nay đã khởi sắc.

Vươn lên từ con số không

“Là nông dân, chúng tôi chịu cực đã quen và không ngại khó để cùng Đảng, chính quyền địa phương vượt nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình”. Giọng nói sang sảng, nước da đem nhẻm, nông dân Nguyễn Văn Đô, nhà ở ấp 5, mở đầu câu chuyện “đổi đời” của mình như vậy. Nhiều năm làm nông cật lực vẫn không khá nổi, anh trăn trở mãi và quyết định mượn tiền gia đình, bạn bè, mua một máy xay lúa loại nhỏ (khoảng 7 triệu đồng) để xay gia công cho bà con trong ấp, xã. Làm việc cần mẫn, anh dành dụm được một số tiền và vay mượn thêm từ các nguồn quỹ, đầu tư hẳn một dàn máy xay lúa liên hoàn, có thể thực hiện dây chuyền khép kín từ bóc vỏ, sấy, đánh bóng và cho ra hạt gạo hoàn chỉnh. Hiện nay, cơ sở của anh đã giải quyết việc làm cho hơn chục lao động nghèo ở địa phương với mức thu nhập từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. “Lo làm ăn chủ yếu cũng là cho con cái ăn học. Có học hành tử tế, chúng mới làm giàu cho bản thân và xây dựng xóm ấp ngày càng khang trang hơn được” - anh Đô sôi nổi cho biết. Ba người con của anh đang học ở các trường đại học Bách khoa, Kinh tế của TP.

Ông Mai Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, nhìn nhận nếu sau chiến tranh đây là 1 trong 6 ấp nghèo nhất của xã, thì hôm nay ấp 5 đã vươn lên mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Những điển hình như anh Nguyễn Văn Đô xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Diện mạo ấp nhờ đó cũng trở nên khang trang hơn.

Phải cố mà làm ăn để ấp giàu đẹp hơn

Ông Mai Văn Trung, Bí thư Đảng ủy - phó chủ nhiệm ấp 5, cho biết đối với một ấp mà nông nghiệp là nghề chính (tập trung 65% dân số trong ấp), để đưa cuộc sống đi lên, đòi hỏi bà con phải nỗ lực rất nhiều. Họ thâm canh, tăng vụ cho lúa, tăng diện tích trồng rau sạch (đã thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngã ba Giồng với hơn 30 hộ tham gia), phát triển đàn bò sữa lên gần 180 con... “Phải cố mà làm ăn để ấp giàu đẹp hơn” hầu như là tâm nguyện của từng người dân nơi đây. Tình làng nghĩa xóm được phát huy, bà con đoàn kết giúp nhau làm kinh tế gia đình, cụ thể như trao đổi hướng phát triển kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt hằng tháng của tổ nhân dân, liên kết giữa hộ bán thực phẩm cùng hộ chăn nuôi sản xuất như hộ ông Bườm, bà Châu bán chịu thức ăn gia súc, vật tư cho nông dân; hộ ông Linh, ông Khanh cày kéo phục vụ nông nghiệp đến mùa thu hoạch mới nhận tiền... Ngoài ra, người dân còn tham gia hiến đất để có hơn 4 km đường. Nay trên 95% đường trong ấp là đường cấp phối sỏi đỏ, không còn lầy lội; nhờ vậy đã thu hút các nhà đầu tư từ nơi khác đến mở nhà máy, xưởng sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 40% lao động của ấp, làm giảm đáng kể tình trạng thất nghiệp trong thanh niên...

80% thanh niên có trình độ văn hóa cấp III trở lên

“Làm giàu không chưa đủ, phải cố gắng để cho lớp trẻ ngày nay có trình độ, tri thức và tự hào về lịch sử ở đây, như thế chúng mới góp phần xây dựng xóm ấp ngày càng đẹp hơn”. Ông Nguyễn Văn Dìa, Trưởng Ban nhân dân ấp 5, đã khẳng định và điểm qua những thành quả học hành của con em trong ấp: Hơn 80% thanh niên trong ấp có trình độ cấp III trở lên. Đây là kết quả trước đây chưa hề có. Để cho con cái được học hành đàng hoàng, nhất là được ngồi ở giảng đường đại học, nhiều nông dân đã chịu thương chịu khó làm việc cật lực. Anh Nguyễn Hùng Minh, sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa TPHCM, một trong những thanh niên tiêu biểu của ấp, nói: “Thế hệ chúng tôi không biết hết những mất mát, đau thương mà cha ông đã phải gánh chịu và hy sinh trên mảnh đất Ngã ba Giồng lịch sử này, nhưng chúng tôi biết rằng mình có trách nhiệm phải cố gắng học tập và lao động. Xây dựng nơi đây ngày càng giàu đẹp hơn là trách nhiệm của những thanh niên thế hệ chúng tôi...”.