Trốn thuế, vi phạm trong kinh doanh: Đã có luật, cần xử theo luật !
PHÁP LUẬT.- Xử lý những doanh nghiệp vi phạm là để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính
Những thủ đoạn làm ăn gian dối
Mới đây, Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Cục Thuế TPHCM đã phát hiện một nhóm người đứng tên thành lập nhiều DN, nhưng hầu hết đều không hoàn tất thủ tục đăng ký kê khai thuế. Nổi cộm là trường hợp hai vợ chồng Lê Trần Trường An và Nguyễn Hoàng Anh. Ông An là người ĐDPL cho 5 công ty (Công ty cổ phần (CP) Phát hành sách VN, Công ty CP Sách VN, Công ty CP Bách hóa Gia đình, Công ty TNHH Bản quyền VN, Công ty TNHH Tiếp thị Sài Gòn). Bà Anh cũng là người ĐDPL cho 4 công ty khác (Công ty CP Niên giám VN, Công ty CP Cổ động tài trợ thể thao, Công ty CP Thông tin VN, Công ty CP Thực phẩm VN). Cùng đường dây trên, còn có ông Hoàng Minh Trường, là người ĐDPL của Công ty CP Giao nhận VN, Công ty Vận chuyển VN đồng thời là giám đốc Công ty CP Thực phẩm VN. Bà Trịnh Thị Nguyệt cũng có hành vi tương tự, là người ĐDPL cho rất nhiều công ty, như Công ty TNHH Thiên Phát, Công ty CP SXCB Thực phẩm Thiên Phát...
Một thủ đoạn khác cũng được nhiều DN áp dụng, đó là liên tục thay đổi người ĐDPL của công ty. Từ tháng 5-2000 đến tháng 12-2000, Công ty TNHH P. và L. đã 4 lần thay đổi trụ sở, 4 lần thay đổi thành viên góp vốn và 3 lần thay đổi người ĐDPL. Tương tự, Công ty TNHH N.V. cũng 3 lần thay đổi trụ sở, 4 lần thay đổi thành viên và 3 lần thay đổi người ĐDPL, trong thời gian từ tháng 6-1999 đến tháng 1-2001. Điều đáng nói là đồng thời với những thay đổi trên là những phát hiện vi phạm của DN. Thế nhưng, khi tổ kiểm tra đến lập biên bản thì ban giám đốc mới của công ty không chịu ký vào biên bản và không chịu trách nhiệm trước những sai phạm của ban giám đốc cũ.
Trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên là tội hình sự
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, cho biết: “Theo Luật DN, một người được phép thành lập nhiều DN nên không thể xử lý những trường hợp trên”. Thế nhưng, với những trường hợp lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN để làm ăn gian dối, thì trong các điều 8, 120 của Luật DN đều quy định biện pháp chế tài. Đó là DN có nhiệm vụ phải khai báo rõ ràng quá trình hoạt động kinh doanh, khai báo thuế... với cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu không khai báo hoặc khai báo không chính xác, coi như vi phạm Luật DN. Điều 121 cũng quy định, tùy mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chánh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Trần Đình Thọ, Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM, không thể vì Luật DN thông thoáng mà bó tay, không xử lý những trường hợp vi phạm. Ông đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp xử lý mạnh một số vụ nổi cộm để bảo vệ những DN làm ăn chân chính. Theo Công an TP, chỉ cần DN vi phạm trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên đã có thể xử lý hình sự. Theo VKSND TPHCM, với những tội danh của các DN chuyên mua bán hóa đơn lòng vòng, có thể khép vào tội lừa đảo theo điều 139 hoặc tội kinh doanh trái phép nếu các DN kinh doanh không đúng ngành nghề theo điều 159; hoặc tội trốn thuế theo điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Luật đã đầy đủ, vấn đề là các cơ quan hữu quan vận dụng ra sao để có tác dụng ngăn ngừa và răn đe, tạo và giữ môi trường kinh doanh lành mạnh.
MAI QUYÊN
Trích từ Bộ Luật Hình sự Điều 139: Người nào bằng thủ đoạn gian dối, lừa đảo từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm một trong các tình tiết sau: có tính chuyên nghiệp; có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Lừa đảo từ 200 triệu - 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Lừa đảo trên 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Điều 161: Trốn thuế từ 50 triệu đến 150 triệu đồng hoặc đã bị phạt hành chánh về hành vi trốn thuế thì phạt tiền từ 1 - 5 lần số thuế phải nộp hoặc bị phạt tù không giam giữ đến 2 năm. Trốn thuế từ 150 triệu - 500 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này thì bị phạt tiền từ 1-5 lần số thuế phải nộp hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trốn thuế trên 500 triệu đồng hoặc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. |