Trong vụ xử Vedan, chúng ta có lúng túng...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải nói: Vi phạm của Vedan là có tính hệ thống và gây hậu quả nghiêm trọng

Nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận đã lên tiếng yêu cầu xử lý nghiêm. Xử lý nghiêm là buộc Vedan phải thực hiện dứt điểm 3 việc: đình chỉ tức thì nguồn gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và bồi thường thiệt hại do Vedan gây ra. Mức độ tự giác và kết quả thực hiện 3 việc trên như thế nào sẽ là yếu tố để xem xét có áp dụng biện pháp xử lý khác hay không, kể cả xử lý hình sự. Tất nhiên, việc áp dụng biện pháp nào cũng phải căn cứ vào pháp luật.

. Hiện đang có cách hiểu khác nhau về “xử lý nghiêm” Vedan giữa những người dân chịu hậu quả ô nhiễm và cơ quan quản lý Nhà nước?

img- Tôi cho rằng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước thì không nên đi từ thái cực buông lỏng quản lý sang thái cực hình sự hóa các biện pháp xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường. “Nghiêm” là việc người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, khôi phục môi trường và bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp Vedan cố tình lẩn tránh những trách nhiệm này thì sẽ đóng cửa nhà máy, thậm chí, nếu có đủ cơ sở, chứng cứ cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm cũng phải xét tới yếu tố xã hội và tính giáo dục, tính nhân đạo của pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhận thức và thực hiện trách nhiệm khắc phục hậu quả gây ra.

. Nhưng hiện vẫn chưa có quyết định tạm hay đình chỉ đối với Vedan?

- Tôi được biết là Thủ tướng Chính phủ đã phê bình lãnh đạo Bộ Tài nguyên- Môi trường và tỉnh Đồng Nai về việc thiếu kiên quyết, phân công và phối hợp trong việc xử lý vi phạm của Vedan. Chắc chắn phải có quyết định cuối cùng đúng thẩm quyền về vấn đề này.

. Vụ Vedan được người dân và dư luận cả nước cho rằng là cơ hội để chúng ta thực hiện quyết tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên trầm trọng ở nước ta?

- Qua vụ việc Vedan và một số vụ việc “nóng” về môi trường gần đây, chúng ta có dịp để kiểm điểm sâu sắc những thiếu sót, bất cập trong hoạt động bảo vệ môi trường. Trách nhiệm trước tiên về tình trạng ô nhiễm như hiện nay thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Qua đây, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được tăng lên. Nếu chúng ta xử lý tốt một số vụ điển hình này thì sẽ cảnh báo, buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh hơn pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ đó, cải thiện dần tình trạng ô nhiễm hiện nay.

. Ông có nói đến việc Vedan sẽ phải bồi thường, vậy ai sẽ yêu cầu Vedan bồi thường và bồi thường bao nhiêu, như thế nào?

- Trước mắt phải truy thu những khoản phí và chi phí mà cơ sở này lẽ ra phải bỏ ra để xử lý nước thải mà cơ sở này đã trốn tránh. Còn về bồi thường, có thể giải quyết theo các hình thức, biện pháp như thương lượng, hòa giải giữa Vedan và các bên liên quan hoặc đại diện của họ. Nếu không hòa giải được thì bên bị hại có quyền kiện ra tòa. Tòa án sẽ phán xử theo quy định của pháp luật.

. Quan điểm cá nhân ông có ủng hộ việc đóng cửa Vedan để thể hiện quyết tâm chống ô nhiễm môi trường của VN?

- Tôi cho rằng việc xử lý hình sự đối với các cơ sở gây ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, chúng ta chưa tiến hành vụ nào cho nên trong vụ Vedan có sự lúng túng và cả sự thiếu sót, khuyết điểm của việc hướng dẫn thực hiện luật cũng như theo dõi và xử phạt. Lẽ ra, trong trường hợp Vedan vi phạm nghiêm trọng và kéo dài như vậy thì cơ quan hữu trách phải có những quyết định xử phạt nghiêm và trong đó khẳng định nếu Vedan còn vi phạm sẽ áp dụng các biện pháp xử lý nặng hơn. Có thể thấy trách nhiệm quản lý Nhà nước ở đây còn thiếu sót.

Như tôi đã nói, sai phạm của Vedan là rõ ràng và nghiêm trọng. Các cơ quan hữu quan phải tiếp tục xác định mức độ vi phạm, thu thập chứng cứ, đánh giá tính hệ thống và hành vi cố ý vi phạm để có biện pháp và hình thức xử lý theo nguyên tắc đúng người, đúng tội, đúng pháp luât.

. Xin cảm ơn ông.