Trúng mùa muối, diêm dân vẫn lao đao

DIÊM NGHIỆP.- Giá thành mỗi ký muối 320 đồng trong khi giá bán ngoài thị trường chỉ 220 - 280 đồng/kg. Chất lượng muối lại kém nên còn 60.000 tấn muối tồn kho. Gần ngàn hộ diêm dân ở huyện Cần Giờ đang điên đảo vì... trúng vụ. Nếu như sản lượng muối bình quân của vụ trước khoảng 25.000 tấn, thì mùa vụ này sản lượng tăng lên hơn gấp 3 lần, với khoảng trên 80.000 tấn.

Bà con diêm dân gồng gánh vun từng “lẫm” muối chất cao như những quả đồi mà giá muối thì cứ rớt ngày một: Vụ mùa trước, giá muối từ 700 - 750 đồng/kg, đến đầu vụ (tháng 12-2001) rớt xuống còn 400 - 450 đồng và đến nay chỉ còn khoảng 220 - 280 đồng/kg...

 

Mặn... đắng muối ơi!

 

Chúng tôi lang thang trên những cánh đồng muối ở ấp Miễu Ba, xã Cần Thạnh... với cảm giác trơ trọi vì vắng lặng! Trong một căn nhà, gọi là chòi thì đúng hơn, ở bên đường cái, hai đứa bé một trai, một gái đang chờ mẹ về, đã quá trưa mà bếp núc lạnh ngắt. Trong một căn chòi khác kế bên, lẫm muối tập trung trải dài mút mắt, không một bóng người. Lần dò, cuối cùng trong một căn chòi khác ở giữa xóm, chúng tôi may mắn gặp vợ chồng anh Phan Hồng Hạnh, biệt danh là Tý “muối”. Anh Tý cho biết: “Người ta bỏ đi làm ăn xa hết rồi. Muối rớt giá, dân làm muối chạy đôn chạy đáo tìm việc khác, chứ ở lại đây có ai thuê mướn làm việc gì đâu. Sở dĩ tôi còn được “trụ” lại đây là để trông ngó giùm bãi muối này”.

Nghề làm muối không đơn giản là “nước lã vã nên hồ”. Theo lời anh Tý, sản xuất muối thì không cứ gì phải là hộ giàu mới thuê mướn nhân công, mà  thường chủ “sở” muối - cách gọi chủ ruộng - phải thuê mướn thêm nhân lực bên ngoài và ăn chia theo tỉ lệ chủ 4, bên thuê 6.

 

Cho đến khi thu hoạch chi phí bình quân mỗi ha khoảng trên dưới 13 triệu đồng, và giá thành mỗi ký muối khoảng 320 đồng. Với giá muối như hiện nay khoảng 220 - 280 đồng/kg thì lỗ vốn.

 

Phải tính toán lại bài toán thoát nghèo cho diêm dân

 

Ông Đoàn Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ -thừa nhận: “Hầu hết những hộ diêm dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Tiền vay bạc hỏi để sản xuất, giá muối thì chông chênh, lúc được lúc không...”. Chúng tôi đặt vấn đề: Theo quy hoạch của huyện trong việc phát triển ngành nghề muối, đã được UBND TPHCM thông qua, đến năm 2010 Cần Giờ xây dựng vùng chuyên canh muối với sản lượng cao gấp 3 lần - tương đương 85.000 - 90.000 tấn, nay chưa đến thời gian đó sản lượng đã đạt... trước quy hoạch, cuối cùng muối không tiêu thụ được. Ông Đoàn Văn Thu cho biết: “Không phải chúng tôi không lo cho dân. Vấn đề ở đây là chất lượng muối không đạt, tạp chất nhiều, ẩm độ cao. Kế hoạch cụ thể chỉ giữ lại khoảng 1.200 ha, so với hiện nay với hơn 1.400 ha, nhưng không hiệu quả, đồng thời phải đầu tư công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng. Dự án đã trình TP với tổng kinh phí khoảng 24 tỉ đồng, trong đó bao gồm cả chi phí đầu tư điện, đường, bến bãi...”.

 

Cũng theo phương án của UBND huyện Cần Giờ vừa trình UBND TPHCM, ngay thời điểm này, Cần Giờ cần khoảng 3,2 tỉ đồng để trợ giá cho 32.000 tấn muối/60.000 tấn muối đang tồn trong dân. Mức trợ giá này xây dựng trên giá thành 320 đồng/kg, cộng thêm 100 đồng trợ giá để đảm bảo cho dân có lãi, vậy giá sàn là 420 đồng/kg. Để đảm bảo tiền trợ giá đến tay người sản xuất, phương thức đưa ra là tổ chức đấu giá tại Trung tâm Giao dịch Thủy sản Cần Giờ. Theo đó, giá khởi điểm là giá bình quân tiêu thụ tại đồng muối Cần Giờ, đơn vị được chọn sẽ là đơn vị gọi giá cao nhất. Phương án cũng tính đến phòng ngừa việc lạm chi của chính sách trợ giá: Trong trường hợp giá thị trường hoặc giá hợp đồng giao dịch mua - bán tại trung tâm giao dịch tăng lên cộng với mức trợ giá từ ngân sách TP cao hơn 420 đồng thì sẽ giảm phần chi hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo giá sàn tiêu thụ là 420 đồng/kg. Và, nếu giá muối ngoài thị trường trên 420 đồng/kg thì không trợ giá. Ngoài số muối trợ giá, số muối còn lại khoảng 30.000 tấn, huyện kiến nghị TP cho diêm dân được vay ưu đãi để bà con dự trữ và chủ động bán ra khi giá muối trên thị trường tăng lên, tránh tình trạng bán tống bán tháo như hiện nay sẽ làm cho diêm dân ngập trong nợ nần...