Truy tìm “kho” rùa

Một nhóm sinh viên đã lần đến hầu hết những ngôi chùa ở TPHCM để tìm cách bảo tồn những giống rùa quý

“Sư ơi, cho con xuống hồ bắt con rùa đó lên xem thử?”. “Để làm gì?”. “Dạ, để xem nó bao nhiêu tuổi...”. “Biết tuổi làm gì?”. “Rùa nào tuổi cao, bị bệnh thì phải đưa đi cứu hộ đó sư”. Đây là đoạn hỏi đáp giữa nhóm sinh viên (SV) trẻ của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM gồm Dương Đình Vương, Lê Mai Thanh Trâm, Hoàng Thành Trung với các nhà sư  trong những lần vào chùa tìm rùa. Tập tục mang rùa lên chùa phóng sinh đã giúp nhiều ngôi chùa ở TPHCM trở thành “kho” nuôi giữ rùa.

img
Dương Đình Vương  đang xem tuổi một “cụ” rùa ở chùa Quan Âm


Ba SV này đang học năm 3 ngành lâm nghiệp, đều giống nhau cái tính mê rùa. Họ cùng đăng ký một khóa học về rùa do các nhà nghiên cứu rùa của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), giảng dạy và trở thành cộng tác viên của trung tâm này.


“Con không cướp rùa”


VN hiện có 25 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển, 50% trong số này đang đứng trước hiểm họa tuyệt chủng cần được bảo tồn khẩn cấp.

“Mình theo cô giáo lên thắp hương ở chùa Một Cột, Q. Thủ Đức, phát hiện trong chùa nuôi rất nhiều rùa. Hỏi mới biết đó là lượng rùa mà phật tử khắp nơi đến phóng sinh. Mình nảy ý tưởng khảo sát tất cả các ngôi chùa có rùa ở TPHCM rồi gửi báo cáo cho ENV để tìm phương án bảo tồn”. Vương, nhóm trưởng nhóm yêu rùa, kể. Ngày hôm sau, Vương và hai người bạn quay lại chùa Một Cột và ngỏ lời với người coi chùa. Người này không cho nhóm đụng đến rùa vì khuôn mặt ai cũng non choẹt, cộng với cách nói chuyện thì lắp bắp nên người trông coi chùa tưởng đây là một... băng cướp rùa.


Thất bại ở chùa Một Cột không làm 3 SV nản lòng. Lật bản đồ TP ra, nhóm SV đánh dấu tất cả các ngôi chùa và bắt đầu lần đi. “Thưa sư con không cướp rùa. Con chỉ muốn xuống hồ sờ rùa một tí thôi rồi con lên”. Đã hàng chục lần nhóm SV van nài các nhà sư để được tận tay sờ rùa xem thử nó là đực hay cái, loài gì, nặng bao nhiêu ký và bao nhiêu tuổi. Các bạn đều rành rẽ: Mai rùa có mảnh phủ, muốn biết tuổi chỉ cần đếm số vòng trên một mảnh. Mỗi vòng tương đương 1 năm. Để biết đó là rùa đực hay rùa cái chỉ cần nhìn yếm.


12 “kho” rùa


Không có xe máy để đi, Vương, Trung, Trâm phải truy tìm các kho rùa bằng xe buýt. “Nhìn trên bản đồ thì chùa này cách chùa kia gần lắm, nhưng đi mới thấy xa quá trời. Có những ngôi chùa phải đi 3-4 tuyến xe buýt mới tới nơi nhưng lại gặp phải chùa không có rùa. Vương kể, sau hàng trăm lượt xe buýt ngang dọc khắp TPHCM, nhóm đến được 98 ngôi chùa và ghi nhận 12 ngôi chùa có nuôi rùa với tổng số lượng lên đến hàng ngàn con. Riêng chùa Quan Âm (Q.5) có trên 200 cá thể rùa lớn nhỏ, đa phần là rùa tai đỏ- một loại rùa ngoại xâm. Tổng hợp ở 3 chùa Quan Âm, Phước Hải (Q.1), Giác Huệ (Q.7) có 97 cá thể rùa cần bảo tồn. Cụ thể có 48 rùa núi vàng, 9 rùa đất lớn, 6 rùa hộp lưng đen, 7 rùa răng, 19 rùa ba gờ, 3 rùa đất sepon, 2 rùa cổ sọc. Trong đó có 5 cá thể rùa nặng trên 5 kg. Rùa núi vàng và rùa đất lớn là hai loại nằm trong sách các loại rùa của VN đang đứng trước hiểm họa tuyệt chủng. “Tại chùa Một Cột, mình thấy có một con rùa màu đen lạ lắm. Vẫn chưa thể xác định nó thuộc loài nào. Hy vọng là một loài rùa hiếm” - Vương nói.


Thỉnh “cụ” đi chữa bệnh


Trong quá trình cân đo rùa tại chùa Quan Âm, nhóm SV đã phát hiện 5 cá thể rùa đạt độ tuổi 50-60. Một người đàn ông quản chùa Quan Âm nói: “Tôi cũng chẳng nhớ số rùa này đã ở đây bao nhiêu năm nhưng dường như tuổi nó cũng xấp xỉ tuổi tôi”. Do điều kiện nuôi rùa ở chùa Quan Âm không được tốt nên 3/5 “cụ” rùa đã bị bệnh, da bị phù, có “cụ” ngắc ngoải. Nhóm của Vương đã liên hệ với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, thuộc Chi cục Kiểm lâm TPHCM để thỉnh 3 “cụ” rùa trên về chữa bệnh. Do tuổi cao, bệnh nặng, một “cụ” đã chết.


Nhóm của Vương cũng đã cảnh báo việc “kho” rùa ở các ngôi chùa tại TPHCM đang lâm vào cảnh vàng thau lẫn lộn. Những loại rùa cần được bảo tồn như rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen... đang bị một loại rùa rất hung dữ xâm lấn. Đó là rùa tai đỏ. Tại chùa Ôn Lăng (Q.5), nhóm đã phục kích bên “kho” rùa và quay được cảnh rùa tai đỏ đang ăn thịt một con rùa ba gờ. Chỉ trong vòng chưa đến ba phút, một con tai đỏ đã đớp chết rùa ba gờ rồi từ từ gặm chân đồng loại để ăn. Vương  lo ngại: “Nếu các ngôi chùa không chia tách các loại rùa, thì các loại rùa quý rất dễ bị rùa tai đỏ giành giật thức ăn và gây thương tổn”.

Rất đáng hoan nghênh

Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, cho biết hiện chi cục chưa có một cuộc khảo sát đồng bộ về việc nuôi rùa ở TP  nên việc làm của nhóm SV này là hết sức ý nghĩa. Kết quả của quá trình khảo sát sẽ giúp ích cho chi cục trong công tác quản lý và bảo tồn loài rùa đang sống ở TP. Mới đây, việc nhóm SV liên hệ với chi cục để tiếp nhận số rùa do chùa Quan Âm hiến tặng là một hành động rất đáng hoan nghênh!