Từ bỏ ước mơ làm bác sĩ

Đậu vào trường y, nhưng hai tân sinh viên dưới đây đành chuyển qua học trường sư phạm vì nhà quá nghèo, không kham nổi học phí

Men theo hơn 500 m đường bờ ruộng, chúng tôi mới vào được nhà thủ khoa Phan Công Chiến. Nói là nhà nhưng thực ra đó là túp lều thấp lè tè, bao quanh toàn tôn là tôn rất oi bức (mặc dù trời Tây Ninh đang mưa). Ngước nhìn những tấm tôn bị gỉ, đầy lỗ đinh (vốn là tôn của nhà cũ tận dụng lại), cô Nguyễn Thị Thủy, mẹ Chiến, tâm sự: “Trước kia, nhà cô ở xóm trong có 3 sào ruộng và 50 gốc chôm chôm, tạm đủ sống.

Khi ông nhà bị bệnh phổi phải chạy chữa tốn nhiều tiền khiến nợ nần chồng chất, phải bán 3 sào ruộng xuống vườn này ở. Giờ thì nhà phải làm khoán cho người ta 1 ha ruộng kiếm gạo ăn, trúng mùa thì dư chút ít, còn không thì không đủ vào đâu. Vay ngân hàng 10 triệu đồng chưa trả xong. Nay thằng con út đậu ĐH nữa không biết tính sao đây...”.

Nhưng khi hỏi về chuyện học của con mình thì đôi mắt đầy vết chân chim của người mẹ sáng lên hẳn: “Nhà nghèo nhưng nó có chí học lắm, là học sinh giỏi từ nhỏ đến giờ”.

Không để sinh viên bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí

Thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với sinh viên học ĐH và CĐ có hoàn cảnh khó khăn, đã trúng tuyển vào ĐH, CĐ năm học 2007–2008 hoặc đang học ĐH, CĐ; bảo đảm cho các sinh viên này không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu (ăn, ở, đi lại, tài liệu học tập). Giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp rà soát danh sách các sinh viên đã trúng tuyển ĐH, CĐ năm học 2007-2008 hoặc đang học ĐH, CĐ mà gia đình khó khăn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

(Trích Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg ngày 4-9 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học CĐ, ĐH và dạy nghề)

Nhắc đến chàng thủ khoa Phan Công Chiến, tất cả thành viên của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (thị xã Tây Ninh) nơi Chiến học đều tự hào: “Đó là người khiến mọi người nể phục về nghị lực và chí phấn đấu trong việc vượt khó học tập”.

Người nhỏ nhắn, nhiều lần bệnh nặng, Công Chiến vẫn quyết đi thi và đạt nhiều giải cao. Trước kỳ thi khối A ĐH Sư phạm TPHCM, Chiến đau liệt giường nhưng em vẫn thi đạt 29,5 điểm. Về nhà trị bệnh xong, lên TPHCM thi tiếp vào ĐH Y Dược, Chiến đậu với số điểm 28,5.

Buổi liên hoan mừng Công Chiến đỗ thủ khoa là... bữa ăn trưa đạm bạc của gia đình khi ba bỏ buổi cày thuê, mẹ nghỉ buổi gặt lúa mướn về chung vui cùng con.

Người Chiến ngưỡng mộ nhất là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, “nhân vật có hoàn cảnh khó khăn như em nhưng đã vượt qua khó khăn để thành tài, làm nhiều việc có ích cho xã hội”. “Em sẽ học sư phạm rồi quay về trường cũ công tác để có điều kiện giúp đỡ các thế hệ học sinh sau em. Thầy cô, bạn bè... đã giúp đỡ em nhiều nên em sẽ cố gắng học thành tài để không phụ những tấm lòng thơm thảo của mọi người”, đó là lời tâm sự của cậu học sinh giỏi Phan Công Chiến.

"Ngay từ nhỏ em đã ước mơ trở thành bác sĩ giỏi nhưng nay em đành gác lại ước mơ đó vì gia đình em lúc này khó khăn quá!” - Thiên Thủy tâm sự.

Gia đình em hiện ở thôn Tân Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thiên Thủy là con thứ 4 trong 5 người con của ông bà Lê Văn Giáo - Lê Thị Hà. Ba anh chị đầu đang là sinh viên đi học xa nhà chưa làm ra tiền, học phí hằng tháng phải dựa vào gia đình, nay Thiên Thủy lại đậu ĐH, gia đình thêm một nỗi lo thường trực.

Đã nhiều năm nay, kinh tế gia đình ông bà Giáo chỉ trông vào vài sào lúa với củ sắn, củ khoai ngoài đồng mà ông đã nuôi 5 đứa con khôn lớn, học giỏi. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình và tấm lòng cha mẹ, các con ông bà đều là những con ngoan, trò giỏi.

Khỏi phải nói chắc ai cũng hiểu nỗi niềm của ông bà Giáo hôm nhận được tin cô con gái thứ tư đậu á khoa Trường ĐH Y Dược Huế. Niềm vui đến nhưng rồi cũng qua đi nhanh, bởi ông hiểu rằng cùng với niềm vui là gánh nặng lại chất thêm lên đôi vai gầy già yếu của ông bà. Giờ đây lao động trong nhà chỉ còn hai ông bà và con trai út (năm nay lên lớp 10). “Nhân lực đã ít, nhà lại không có nguồn thu nào khác ngoài nông nghiệp, không biết sắp tới phải xoay xở ra sao đây?”

img
Thiên Thủy (thứ 2 từ phải sang) cùng thầy giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp

Cô bé Lê Thị Thiên Thủy (cựu học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị) đành phải từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho dân nghèo. Em quyết định chuyển sang học ngành toán Trường ĐH Sư phạm Huế, nơi em cũng đậu á khoa với 28 điểm. Em nói: “Học ngành sư phạm được miễn học phí mà chưa chắc gia đình đã chu cấp được thì làm sao em dám mơ theo học ngành y”.

Trên cái bàn học ọp ẹp của Thủy chỉ có vài cuốn sách giáo khoa và sách tham khảo được cô giáo cho mượn để ôn thi học sinh giỏi toán tỉnh. Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng Thủy vẫn học rất giỏi. 12 năm liền Thủy đạt học sinh giỏi, năm lớp 12 Thủy còn đạt giải nhì môn toán tỉnh Quảng Trị, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi Thủy được 55 điểm.

Thủy nói: “Cũng may là ĐH Sư phạm không thu học phí nên em chỉ lo tiền ăn, ở, sinh hoạt thôi. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, phấn đấu giành học bổng để tự trang trải phần nào chi phí để bố mẹ ở nhà đỡ vất vả hơn”.

Bài và ảnh: Dương Công Thọ