Văn học vẫn chưa có hơi thở của cuộc sống

Hôm qua, 24-4, Đại hội Đại biểu lần thứ VII Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của 567 nhà văn thuộc 5 thế hệ. Trong thời gian tới, Hội Nhà văn phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm hay, tiêu biểu, thể hiện bản lĩnh nhà văn.

Đó là những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu xã hội của thời đại, thỏa mãn nhu cầu về tình cảm, đạo đức, tư tưởng của con người. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, đã mở đầu đại hội bằng bài phát biểu điểm lại tình hình trong nước, thế giới 5 năm qua. Dù có những mặt thuận, những mặt chưa thuận, nhưng “trong tình hình đó, văn học vẫn tiếp tục đổi mới và phát triển”.

Ít có tác phẩm mang tính mở đường

“Đổi mới văn học đã bước qua giai đoạn nhận thức ban đầu, giờ đây tư duy, cảm hứng, cách nhìn của nhà văn đã trở lại điềm tĩnh, sâu lắng với sự suy ngẫm lâu hơn về xã hội và con người. Văn chương trở nên thật hơn, cả trong việc miêu tả những hành động cao cả, những cảnh ngộ éo le hay tâm trạng thầm kín. Khuynh hướng hiện thực vẫn là dòng chủ lưu của văn học ta, bên cạnh đó là sự phát triển của nhiều xu hướng thể nghiệm nghệ thuật khác nhau. Trong cuộc sống hằng ngày, trước những ngổn ngang, oan trái, bất hạnh, bạn đọc vẫn tìm đến nhà văn như một điểm tựa tinh thần nhiều cảm thông, chia sẻ... Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định.

Đại hội Hội Nhà văn lần VII chính thức diễn ra trong hai ngày 24 và 25-4 với nhiệm vụ trọng tâm “làm thế nào để có nhiều tác phẩm văn học hay?”. Tuy nhiên, hơn một nửa thời gian của ngày làm việc đầu tiên được dành cho việc ứng cử và đề cử. Đầu tiên, có tới 321 đại biểu ứng cử và bầu cử vào BCH hội, sau đó đã có 225 đại biểu xin rút tên khỏi danh sách. Kết quả bầu cử sẽ công bố vào hôm nay, 25-4.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kỳ 6 cũng thẳng thắn thừa nhận những mặt hạn chế của văn học trong nước thời gian qua. Đó là “có nhiều tác phẩm hay, nhưng đó là những cái hay theo kiểu dạng từng có, đã quen thuộc, còn ít những cái hay khác thường, mang tính mở đường. Văn học đổi mới tản mạn và chưa làm nổi bật vấn đề trung tâm, nhân vật trung tâm của giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt. Tâm lý chạy theo số lượng dẫn đến sự xuất hiện nhiều tác phẩm trung bình, tầm tư tưởng không cao. Đã thấy có bóng dáng của sự lặp lại, dẫn đến mờ nhạt tính sáng tạo. Không những thế, sự gợi mở của lý luận và tầm bao quát của phê bình văn học còn bị hạn chế. Phê bình văn học còn dè dặt và né tránh, tác động chưa mạnh đến sáng tác. Văn hóa tranh luận chưa khôi phục được không khí trang nhã như nó đã từng có.

Đặt ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học trong nhiệm kỳ 2005-2010, Hội Nhà văn khẳng định trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, hội ưu tiên hàng đầu cho các đề tài hiện đại, đặc biệt là đi và viết về công cuộc đổi mới.

Bức tranh xã hội không được phản chiếu trong tác phẩm

Được đánh giá là bài tham luận hay nhất, chất lượng nhất được đọc tại đại hội, nhà văn Hoàng Quốc Hải đặt câu hỏi “tại sao văn học Việt Nam hiện nay không có tác phẩm đỉnh cao?” và rồi ông tự trả lời, 10 năm lại đây, có khá nhiều tác phẩm đáng đọc, tốt cả về nội dung lẫn nghệ thuật, nhưng bạn đọc vẫn thờ ơ. Bởi vì, khi soi vào tác phẩm văn học, người đọc thấy hụt hẫng. Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, thật ra cái nền hiện thực xã hội trong 10 năm gần đây dư thừa chất liệu cho các nhà văn làm nên tác phẩm đỉnh cao, bức tranh xã hội đủ màu sắc, vui có, buồn có, bi thương có, âm mưu thủ đoạn có, tham nhũng có, hối lộ có, bất nhân bất nghĩa... không thiếu một loại nào. Từ bức tranh xã hội này, công chúng đòi hỏi nhà văn phải bằng ngòi bút và lương tâm của mình vạch mặt bọn xấu, “không cho chúng nó thoát”, phải cho xuất hiện những gương mặt kiểu Nghị Quế, Nghị Hách, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Chí Phèo, Bá Kiến... Nhưng, cái bức tranh xã hội phong phú là vậy mà không được phản chiếu trong tác phẩm, vì thế công chúng mới chối bỏ. Và đó là điều tệ hại nhất đối với nhà văn. Đó còn là một dấu hiệu báo trước nền văn học đang bước vào giai đoạn suy thoái.

Những người viết trẻ “trồng cây ngắn ngày”

Đã có 20 năm thâm niên trong nghề viết, nhưng nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn đùa rằng mình “tự hào” vì đã U40 nhưng vẫn nằm trong số 16 người trẻ nhất đại hội. Nhưng cây bút này tâm sự rằng chị rất buồn, vì cảm giác rằng sau đại hội và sau một giai đoạn nữa, sẽ không còn nhà văn trẻ và văn học trẻ sẽ bị ngắt quãng một thời gian. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng thừa nhận, nguồn tiếp tế cho nhà văn hiện nay rất hiếm hoi. Thế hệ trẻ thì toàn “trồng cây ngắn ngày”, đi viết báo mà không trồng cây cổ thụ, trong khi văn chương lại chỉ có thể tỏa sáng nhờ cổ thụ mà thôi. Giải pháp nào cho thực trạng này, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng, bất cứ ai có năng khiếu, tài năng văn chương thì nên tách ra khỏi báo chí. Còn nhà thơ Trần Quang Quý khẳng định trên diễn đàn rằng Hội Nhà văn nên thành lập một trường đào tạo nhà văn trẻ. “Không có chiến lược cho lớp trẻ, liệu có thể gặt hái gì cho tương lai, khi mà nền văn học hiện tại đang có những khoảng rỗng?” - nhà thơ đặt câu hỏi.

Hội Nhà văn không đưa được tác phẩm đến công chúng

Lý giải về sự “biến mất” của các cây bút trẻ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng không phải là họ không có tác phẩm, ví dụ Hồ Anh Thái, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư... hầu hết đều thường xuyên có sách, nhưng họ không có điều kiện giới thiệu tác phẩm của mình. Theo Thu Huệ, xu hướng hiện nay là người viết cứ viết, đầu nậu nào biết thì liên hệ và in, thế là có vài ba ngàn bản sách xuất hiện trên thị trường và tác giả có sách tặng bạn. Hội Nhà văn đã không làm được điều quan trọng là để các tác phẩm của những cây bút trẻ đến được với người đọc bằng các kênh của mình. Theo chị, để giải quyết được tình trạng này, Ban Sáng tác trẻ của Hội Nhà văn phải có mối liên hệ thường xuyên với người viết để xem họ đang viết cái gì. Điều này không khó, vì ở các địa phương đều có hội liên hiệp văn học nghệ thuật để liên lạc. Thậm chí, hội có thể tổ chức những cuộc hội thảo giới thiệu sách để báo chí hay công chúng biết. Giữa một rừng sách bây giờ, người đọc rất lười đi tìm đâu là sách hay, họ cần được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Y.Anh