“Văn phòng 3” Bà Chúa Xứ và nguy cơ cháy

PHÓNG SỰ.- Sau khi làm những chuyến hành hương tại các “văn phòng” của miếu Bà Chúa Xứ tại TPHCM, ấn tượng để lại trong chúng tôi chỉ là sự bát nháo, lẫn nỗi bất an về nguy cơ cháy mỗi khi vào mùa lễ hội

Vài năm trước, người dân TP thường tổ chức những chuyến hành hương viếng miếu Ngũ Hành tại ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè vì cho rằng đây là “văn phòng 2” của chùa Bà Chúa Xứ  ở Châu Đốc.  Từ 2 năm trở lại đây, người ta lại đổ xô về quận 9 để viếng thêm một địa điểm khác của Bà. Theo lời chỉ dẫn của một người hành hương, chúng tôi tìm đến địa chỉ thứ ba của Bà Chúa Xứ.

Cơ hội làm ăn của bãi giữ xe và đò

“Các cô cậu đi miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc 3 phải không? Vô đây gửi xe nè, chỉ một ngàn thôi!”. Chủ một bãi giữ xe tại bến đò Hãng Da thuộc phường Long Bình, quận 9 chào mời ngay khi thấy xe chúng tôi vừa trờ đến vào sáng 8-2 (mùng 8 Tết). Lúc này, trên bến đò, hàng chục người khách đang đứng ngồi không yên, chờ được đưa sang “văn phòng 3” của Bà cho kịp giờ hoàng đạo. Trong khi chờ đò, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện về “tiếng tăm” của văn phòng này. Theo lời đồn đại, trước đây trên cù lao Long Bình người dân địa phương đã có miếu thờ Bà Chúa Xứ nhưng rất nhỏ và ít được biết đến. Thế rồi, 3 – 4 năm trở lại đây, có người nằm mơ thấy Bà hiện về yêu cầu đưa miếu thờ ra sát bờ sông cho khách thập phương dễ thăm viếng. Thực hiện lời chỉ bảo của Bà, một ngôi miếu mới được dựng lên và kể từ đó khách thập phương ùn ùn kéo về vui như hội. Không chỉ có người ở thành phố mà cả từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai... cũng tìm đến cúng bái.

Những chiếc đò không an toàn

Sau một hồi chờ đợi trong cái nắng bắt đầu gay gắt, hơn 20 thiện nam, tín nữ cũng được dồn chặt lên con đò với giá 4.000 đồng/người băng ngang sông Tắc hướng tới cù lao trước mặt. Lúc này trên mặt sông, nhiều chiếc đò chở đầy ắp người đang hối hả xuôi ngược. Bác tài công cho biết, hôm nay hơi vắng khách chứ mấy ngày Tết mỗi chuyến đò phải chở 30 - 40  khách là thường. Khoảng 5 phút sau, con đò chở chúng tôi áp vào một khu vực có cổng chào tên Phước Long Tự. Chúng tôi tỏ ý thắc mắc, bác lái đò trấn an: “Yên tâm đi, đây là “văn phòng 3” thiệt mà!”. Không kịp neo đậu, thậm chí mũi thuyền chưa kịp cặp vào kè đá thì chủ thuyền đã giục khách nhanh chóng xuống thuyền để còn rước chuyến mới. Cứ thế, khách đi đò cứ phải phóng liều lên bờ, hối hả chen lấn không kém gì lúc xuống đò. Khách lên đò về bên kia sông cũng chịu cảnh ngộ tương tự.  Một bà cụ ngoài 60 vừa bò lồm cồm lên thuyền, vừa lầm bầm bực dọc: “Từ từ chứ! Đi chùa hay đi ăn cướp sao mà hối dữ vậy”. Theo người dân địa phương, tại đây có 5 bến đò lớn với hàng chục chiếc đò hoạt động từ sáng đến chiều và cứ mỗi lần đò cặp bến là náo động cả một khu vực.

Tệ nạn “ăn theo” bủa vây khách

Nếu như ở miếu Bà Chúa Xứ “văn phòng 2”, khách hành hương phải đau khổ trên con đường vào miếu dài gần 700 m, rộng khoảng 1,2 m bị đội quân khất thực ngồi chiếm gần nửa lòng đường níu kéo, kêu nài, thì tại “văn phòng 3”, cảnh tượng này xuất hiện trước và ngay cả khi khách viếng đã bước qua cổng chào. Chỉ cần từ đò bước lên là khách lọt ngay vào vòng vây của các hàng quán. Nhóm chúng tôi bắt đầu bị chia cắt thành nhiều tốp nhỏ do lực lượng bán nhang dạo xô đẩy, chào mời từ nhiều hướng. Một bé trai khoảng 10 tuổi níu áo tôi: “Mua nhang và cây phước lộc giùm con đi chú, mang về mà hưởng lộc suốt năm”. Sau khi vượt qua đội quân bán nhang dạo, chúng tôi lại lọt vào mê hồn trận của những người bán chim, cá phóng sinh ngồi tràn ngập trong sân chùa thậm chí cả trên những lối dẫn vào chánh điện. Trong chánh điện thờ Bà, hàng trăm người đang xì xụp lạy, chỗ thì cúng sao, xin xăm giải hạn; nơi lại xin keo cầu tài... Không khí  nhộn nhịp, ồn ào hẳn lên. Chen lấn đến mỏi cả người, nước mắt, nước mũi chảy ròng vì nhang khói, chúng tôi mới vào đến phòng mượn “lộc”, nhận được một bao lì xì bên trong đựng 500 đồng. Người phát “lộc” giảng giải: “Theo lệ thì vay một trả ba vào cuối năm”.

Lửa và khói rình rập

Đi dạo một vòng quanh các nơi thờ tự, chúng tôi phát hoảng khi thấy cây chuối sau lưng chùa phát cháy do số nhang được lực lượng bảo vệ của chùa lấy từ các lư hương quăng cẩu thả tại đây. Với lượng khách thập phương lên đến hàng ngàn người mỗi ngày nhưng chùa không hề có cảnh báo hướng dẫn người thắp hương mà cứ để mặc ai muốn thắp bao nhiêu thì tùy.  Những chậu hoa xung quanh chánh điện và trong sân chùa cũng được khách cho là linh thiêng nên cứ cắm nhang vào để thể hiện lòng thành. Sau vài ngày Tết, những chậu hoa này đã trở nên héo hắt, thậm chí có chậu đã bị cháy xém vì nhang. Nguy cơ cháy luôn rình rập.