Vào vùng than thổ phỉ
Để bảo vệ “cai”, các ong sẵn sàng vác kiếm “chiến đấu” với lực lượng chức năng mỗi khi có chiến dịch, hoặc thả chông cản xe công vụ
Mấy anh bạn ở TP Hạ Long- Quảng Ninh dặn, muốn xem than thổ phỉ thế nào thì lên Sơn Dương- Hoành Bồ là thấy liền, nhưng chớ có để họ biết là nhà báo, nếu không có đi mà chẳng có về! Chỉ cách TP Hạ Long chừng 15 km, huyện Hoành Bồ được xem là “thủ đô” của than thổ phỉ.Không giang hồ bất thành “cai” than thổ phỉ
Đến Hoành Bồ, tôi mở lời với một người bà con tên Cường về nguyện vọng muốn thâm nhập hầm than thổ phỉ. Cường tỏ ra rất lo lắng. Cường vốn là ong (chỉ điểm cho đầu nậu than thổ phỉ và hàng nhập lậu Trung Quốc) một thời, nên đã hứa sẽ giúp tôi lên Sơn Dương. Có điều, theo lời dặn của Cường thì chiếc máy ảnh của tôi phải giấu thật kỹ và chỉ được xài khi chắc ăn không bị lộ. Nếu không thì sự hiện diện của một kẻ lạ mặt tò mò chuyện các “cai” (chủ hầm than thổ phỉ) là ong hoặc các đệ tử sẽ dàn xếp một pha đụng xe hay cho ăn đòn một trận nhừ tử.
Do làm ong lâu và có quen biết nhiều, Cường vẫy một chiếc xe tải quen và dắt tôi nhảy lên. Đi khoảng 3 km, chúng tôi nhảy xuống đường. Cường cho biết, kể từ năm 2005, huyện Hoành Bồ nở rộ nạn than thổ phỉ, nóng nhất là các thôn Đồng Đặng, Đồng Xóm, xã Sơn Dương. Đi theo con đường cắt dọc quả đồi thêm 200 m, chúng tôi bắt gặp một nhóm khoảng 10 người. Qua câu chuyện giữa Cường và họ, tôi biết được đây là dân cửu vạn từ huyện Tứ Kỳ, Hải Dương lên xin việc. Trước thắc mắc của tôi về việc có nên hỏi tên “cai” của tốp thợ, Cường liền hạ giọng: “Dân cửu vạn cho các lò nhỏ, vốn ít còn biết tên ông chủ trả công cho mình là ai, nhưng đối với các “cai” đại gia thì hầu như họ mù tịt. Nếu có biết, cửu vạn cũng không dám nói”.
Cường khẳng định, ở đất này không là đại ca giang hồ, không phải đại gia thì không thể làm than thổ phỉ. Để bảo vệ chủ, các ong sẵn sàng giắt kiếm vào xe máy “chiến đấu” với lực lượng chức năng mỗi khi có chiến dịch và thả chông cản xe công vụ. Liều lĩnh hơn, mới đây một “cai” còn xông vào tận rừng khoán của Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ để làm than thổ phỉ và nhận là người nhà của vị này.
Làm “cai” lớn phải có tiền tỉ
Tôi ngắm hai bên đồi vừa đi qua, hàng chục cửa hầm than nối đuôi nhau khiến ngọn đồi bị đào khoét nham nhở, lòng suối bị lấp đầy đất, đá... Rất nhiều cửa hầm đang khai thác than san sát nhau, người xe ra vào tấp nập. Trước mỗi cửa lò đều có xe cải tiến để chở than từ trong ra, sau đó được đổ vào máng rót bằng sắt để mỗi khi xe vào mua là chỉ cần kéo chiếc khóa ra là có thể xả được đầy thùng xe trong chốc lát. Các lán trại căng bạt tạm bợ trên các sườn đồi hay khe suối, chỗ nấu nướng cũng trống huơ, trống hoác và cột, xà chống lò thì rất sơ sài. Cường cho biết, ở nơi khác, than thổ phỉ do dân tự làm, chứ ở khu vực nhiều hầm như Sơn Dương này thì đều do đại gia đầu tư. Ở đây có “cai” tên L., dù nhỏ tuổi (sinh năm 1976) nhưng đã có hàng chục đầu xe tải trên 10 tấn, mỗi tháng xuất hàng ngàn tấn than. Tiếp đến là các chủ M.D.N. là người địa phương, hằng tháng mỗi người xuất hàng trăm tấn than. Các “cai” ở đây đầu tư tiền tỉ để thuê nhân công phá rừng, thuê xe ủi, máy xúc mở đường, mở lò, chi phí lo chính quyền, lực lượng chức năng... .
Theo Cường, ngoài việc mua chuộc các lực lượng chức năng, cán bộ địa phương, các “cai” cũng sẵn sàng thanh toán, tranh giành vỉa của nhau. Không ít “cai” đã vỡ nợ hay sạt nghiệp vì đào mãi không gặp vỉa, đường cùng có thể cướp của “đồng nghiệp”...
Làm than thổ phỉ hơn làm vàng
Mỗi ngày bình quân một hầm ở đây ra được từ 15 đến 25 tấn than nguyên khai, bán tại cửa khoảng 200.000 đồng/tấn, nhưng khi giao cho các đầu nậu giá lên tới 250.000- 300.000 đồng/tấn. Trừ các chi phí, mỗi hầm mang lại cho ông chủ từ 1-1,5 triệu đồng/ngày.
Về lợi nhuận của than thổ phỉ, Cường khẳng định không thua gì “cai” vàng, thậm chí còn hơn mà lại an toàn. Cường còn mách, nếu tôi muốn đầu tư sẽ giới thiệu cho một lò “cai” là người ở Sơn Dương đang muốn bán với giá 20 triệu đồng, than đang ra đều đặn mỗi ngày khoảng 10 tấn. Cường khẳng định: “Nhanh giàu lại an toàn lắm, nếu biết làm đúng luật”.
Thấy tắt nắng, Cường giục tôi về, bởi kẻ lạ hoắc như tôi ở đây mà gặp “cai” đi tuần thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thấy có thể ảnh hưởng đến Cường, tôi theo anh chàng ong một thời với nhiều vết chém dài trên cánh tay và khuôn mặt chằng chịt sẹo, lần xuống đồi. Trong ánh chiều chạng vạng, nhìn cảnh tượng đồi núi nham nhở, rừng bị cày nát, tôi tự hỏi tại sao chính quyền địa phương lại không biết chuyện này hay đã cố tình làm ngơ?