Vắt kiệt tuổi thơ
0 giờ. Nhiều quán bar, nhà hàng trên đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão... (quận 1 - TPHCM) tấp nập khách ra vào. Dưới ánh đèn lập lòe của quán bar GO2 GO2 GO2, một đứa trẻ ngái ngủ xuất hiện, chậm rãi đến từng bàn mời khách mua kẹo, thuốc lá. Chừng 5 phút sau, một nhóm trẻ khác cũng kéo đến, tranh nhau mời từng người khách...
Tôi vẫy đứa trẻ lại trò chuyện. Em tên Cường, 12 tuổi, quê Bến Tre. Bố mẹ Cường bỏ nhau, em về sống với bà nội một thời gian rồi bỏ lên TPHCM, đụng đâu ngủ đó, kiếm được gì ăn nấy. Lang thang một thời gian, Cường gặp Minh “xụ”. Minh “xụ” cho em vay một ít tiền làm vốn để mua kẹo, thuốc lá, hoa hồng và bước vào cuộc mưu sinh ở những quán bar. “Đêm nào cả bọn cũng thức trắng để bán hàng, nhưng chủ yếu là xin tiền để sống”- Cường thành thật.
Trắng đêm mưu sinh
3 giờ. Cả dãy phố vẫn còn náo nhiệt bỗng cơn mưa ập xuống. Mọi người tìm chỗ trú ẩn. Trong tiếng sấm chớp ì ầm, Cường vừa chạy vừa lấy người che khay đựng kẹo, thuốc lá cho khỏi ướt, rồi chui tọt vào ống cống của một công trình đang làm dở để trú mưa. Mãi 1 giờ sau mưa mới tạnh hẳn. Tôi đi ngang ống cống và thấy Cường khoanh người ngủ ngon lành. Bên kia đường, Hỏn, Sơn “gù”, Minh “xụ”... vẫn đang tranh thủ níu kéo một cặp vợ chồng du khách nước ngoài để nài nỉ bán kẹo, thuốc lá...
Trong góc tối trước ngôi nhà đối diện với bar GO2 GO2 GO2, một người đàn ông ngồi trên xe máy tựa lưng vào tường gật gà ngủ. Tôi giả vờ lại kêu xe ôm để tìm cách nói chuyện với ông ta. Người đàn ông giới thiệu tên Quang, bảo: “Tui đang chờ mấy đứa trẻ bán hàng mang tiền về. Cả 3 đứa con tui đều đi bán hàng đêm”. Ông chỉ hai bé gái đang đi vào bar, cho biết: “Đứa đi trước là Thảo, con tui, năm nay 12 tuổi, bán hàng được 5 năm, giờ đang học lớp 4 tại một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên. Đứa đi sau tên Tâm, con em gái tui gửi từ Huế vào, ngày đi học, tối bán hàng phụ tui kiếm sống”.
![]() |
Những đứa trẻ này vẫn kiên nhẫn mời khách mua kẹo, thuốc lá lúc rạng sáng |
Bên một góc tường, tôi thấy Hiếu, con trai đầu của ông Quang, đang nằm co ro. “Tụi em phải tranh thủ ngủ khi trời mưa hoặc vắng khách. Còn em, bữa nay phải ngủ nhiều, lấy sức mai còn làm bài thi” - Hiếu cho biết. Do hoàn cảnh khó khăn, cả ngày đi học, tối lại thức suốt đêm để bán hàng nhưng chẳng mấy khi Hiếu phàn nàn gì với cha mẹ. Hiếu bộc bạch: “Có nhiều đêm thức trắng, sáng đến lớp không sao mở được mắt nhưng tối về cũng phải đi bán hàng. Không đi bán sợ không có tiền ăn học”.
Không làm lấy gì ăn!
Mãi đến 5 giờ, ông Quang chở mấy đứa con, cháu về một căn phòng nhỏ nằm trên đường Trần Văn Đang, quận 3. Chỉ kịp rửa ráy qua loa, Hiếu và Thảo vội thay bộ đồ đồng phục học sinh rồi chào cha mẹ, đạp xe thẳng đến trường. Cô giáo Lê Hồng Ánh, chủ nhiệm lớp 8/6 Trường THCS Bạch Đằng, nhận xét: “Tôi mới làm chủ nhiệm lớp, chưa tiếp xúc nhiều nhưng thấy Hiếu khá chăm học và lễ phép”. Theo một số bạn bè trong lớp, trước đây Hiếu học rất tốt, nhưng thời gian qua em có vẻ căng thẳng, nhiều hôm nằm gục xuống bàn ngủ ngay trong giờ học. Khi nghe tôi khuyên ráng học, Hiếu tâm sự: “Em cũng không dám ước mơ gì, chỉ mong sao đêm nào cũng bán được hết hàng để về sáng còn đi học”.
Một đêm, cạnh bar Majestic góc đường Phạm Ngũ Lão - Đề Thám, tôi gặp một phụ nữ chừng 30 tuổi, trên tay bế một đứa bé đi về một góc hẻm tối. Đặt nó xuống đường, chị đưa mấy bịch sing-gum, vài nhánh hoa hồng rồi bảo bé vào mời khách. Thằng bé chập chững chạy vào bán hàng. Khoảng gần 1 giờ sau, nó lúp xúp chạy ra, đưa cho người phụ nữ nọ một ít tiền rồi lăn ra đường ngủ ngon lành. Khi tôi lân la hỏi chuyện, chị ta cho biết: “Con tui đó, tên Lương, năm nay 5 tuổi, chưa đi học”. Tôi thắc mắc: “Lương nhỏ xíu vậy sao bắt nó thức đêm bán vậy chị?”. Chị ta khoe: “Khách thấy mấy đứa nhỏ như vậy thương tình nên mua hàng cũng khá, có đêm may mắn cũng bán được vài trăm ngàn đồng. Nhỏ thì nhỏ chứ, không làm lấy gì ăn...”.
Nhiều người chạy xe ôm ở khu vực này cho biết, do đây là nơi khách nước ngoài thường lui tới chơi đêm nhiều nên những đứa trẻ như Lương, Hiếu, Thảo... bán hàng cũng kiếm sống được. Chưa kể, khách thấy các em còn nhỏ mà đã vất vả mưu sinh ban đêm nên thương tình, thường cho tiền mà không cần mua hàng. Bởi vậy, nhiều người đã mang con nhỏ đến đây để cho chúng bán hàng kiếm tiền. Tuy nhiên, những đứa trẻ này vẫn còn may mắn vì có cha mẹ đi kèm, không như nhiều em khác bơ vơ, lạc loài, phải chịu sự quản thúc khắc nghiệt của những kẻ chăn dắt...
Cạm bẫy Trên lề đường Bùi Viện, Mộng- đứa lớn tuổi nhất trong nhóm bán hàng rong ở khu vực này - vẫn còn hãi hùng khi kể cho tôi một tai nạn mà nó vừa bị cách nay vài hôm. Hôm đó, Mộng đang đi bán hàng trên đường Phạm Ngũ Lão thì có hai gã pê đê gọi vào một con hẻm tối để mua hàng. Vừa giáp mặt, hai gã liền bóp cổ nó, lục túi lấy 300.000 đồng. Chưa hết, hai gã còn sờ soạng khắp người Mộng một hồi lâu mới buông tha. “Tụi em gặp pê đê hoài chứ gì!” – Sơn “gù” góp chuyện- “Nhiều bữa, mấy tay đó dụ em ngủ chung, cho 200.000 đồng, được dẫn đi ăn đêm..., nhưng em không dám”. Nhưng có lẽ điều mà những đứa trẻ ở đây sợ hãi nhất vẫn là gặp những đối tượng nghiện ngập hoặc mấy gã Tây ba lô “bụi”. “Những người đó cướp giật dữ lắm. Mới đêm trước, thằng Hỏn bị hai ông Tây lấy hết tiền, hàng luôn” - Sơn “gù” kể. |