Về việc xử lý các căn nhà xây dựng trái phép tại quận 1: Quận, sở mở đường cho xây dựng trái phép ?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết: “Nếu xử lý dân mà không xử lý cán bộ sai phạm thì mới là “công lý một nửa”. UBND TP đã thể hiện quyết tâm khi buộc chủ các căn nhà cao tầng xây dựng trái phép tại quận 1 tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là vì sao những sai phạm này lại tồn tại trong một thời gian dài ngay tại khu trung tâm TP. Điều gì “khuất tất” đằng sau những công trình vi phạm này?

Xin 4, xây... 12 !

Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, hiện chỉ tính xung quanh Công viên 23-9 đã có đến 21 căn nhà cao tầng xây dựng sai với giấy phép xây dựng (GPXD). Trung bình các căn nhà này vi phạm từ 1 đến 6 tầng. Đặc biệt, có căn xin 4 tầng nhưng xây đến 12 tầng! Nhiều chủ nhà sau khi hoàn công lại tiếp tục “đua” nhau lên tầng bất chấp quy định của luật pháp. Đơn cử như: khách sạn Hải Sơn (số 357 Phạm Ngũ Lão), khách sạn Mai Phai (số 209 Phạm Ngũ Lão), khách sạn Đại Hoàng Long (số 173 Phạm Ngũ Lão)... Điều đáng nói là trong số những người tham gia xây dựng sai phép có cả cán bộ Nhà nước, có cả đảng viên.

Từ những sai phạm trên của người dân đã có một số cán bộ ở quận 1 bị kỷ luật vì đã tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn. Tuy vậy, dư luận cho rằng vẫn còn nhiều gút mắc trong việc xử lý vi phạm các nhà cao tầng của UBND quận 1. Đơn cử như trường hợp nhà số 5 đường Trương Định được UBND quận 1 cấp GPXP số 388 (ngày 11-12-1998), xây dựng sai phép đến 6 tầng với diện tích sai phạm lên đến gần 400 m2 và bị phạt 8,9 triệu đồng. Lẽ ra sau khi nộp phạt, chủ nhà bị buộc tháo dỡ phần xây dựng trái phép. Đàng này quận lại xử lý theo hướng cho lập hồ sơ hợp thức hóa xây dựng (?!).

Đường đi “khó hiểu”... của thủ tục xây dựng

Một trường hợp khác, ngày 17-4-2001, UBND quận 1 chỉ cấp GPXD (số 191) cho việc xây dựng căn nhà số 112 Lê Lai do bà Lê Thị Mai là chủ hộ, quy mô 1 trệt 3 lầu với diện tích xây dựng 304 m2. Có giấy phép trong tay bà Mai xây luôn căn nhà số 114 với quy mô 1 trệt, 5 lầu với diện tích trên 225,98 m2 mà không cần xin phép cơ quan chức năng. Tháng  10-2001, UBND quận 1 khi phát hiện sự việc trên đã ra quyết định xử phạt việc xây dựng không phép trên là 5 triệu đồng. Đồng thời, buộc tháo dỡ phần xây dựng vi phạm vượt quá chiều cao tối đa cho phép tại lầu 5, với diện tích 30 m2. Nhưng phần lớn diện tích vi phạm còn lại thì quận đề nghị chủ nhà lập thủ tục đăng ký nhà ở, đất ở cho tầng trệt và 4 lầu (?). Như vậy, quận 1 đã mở đường cho việc hợp thức hóa phần xây dựng không phép trên. Với những sai phạm nghiêm trọng như vậy nhưng tiếp đó, ngày 27-12-2001 bà Mai lại được Sở Xây dựng cấp GPXD cho cả hai căn nhà trên với quy mô 1 trệt 5 lầu.

Đến tháng 2-2002, Sở Xây dựng lại nhận hồ sơ thụ lý về việc xin xây dựng 10 tầng của bà Mai với lý do chuyển đổi công năng từ nhà ở sang làm văn phòng (có biên lai nhận hồ sơ)! Trong Công văn số 207 ngày 18 -3-2002, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cũng đã xác định bà Mai xây sai GPXD (3 tầng) và đề nghị bà ngưng thi công và liên hệ UBND quận 1 để xử lý vi phạm xây dựng. Nhưng cũng ở công văn này, ông Trung lại ghi thêm: “Do công trình thay đổi về tầng cao (tăng thêm 5 tầng so với GPXD đã cấp) để sử dụng làm văn phòng, không phải nhà ở, do vậy phải bổ sung hồ sơ như: họa đồ thiết kế công trình; mặt bằng móng tỉ lệ 1/100 -
1/200... để sở xem xét”. Không hiểu sở còn “xem xét” gì nữa khi trước đó, ngày  8-3-2002, UBND quận 1 đã có quyết định xử phạt bà Mai 9,7 triệu đồng và buộc phải đình chỉ thi công, tự tháo dỡ hoàn toàn phần xây dựng sai phép từ lầu 6 đến lầu 8 với diện tích 432,8 m2. Bảy tháng sau khi có cách “hướng dẫn” kỳ lạ trên, tháng 10-2002, Sở Xây dựng lại có Công văn số 951 với nội dung: “Ngày  3-10-2002 Sở Xây dựng có nhận được hồ sơ bổ túc về việc thay đổi thiết kế về quy mô tầng cao xây dựng và Quyết định xử phạt vi phạm hành chánh về xây dựng số 566/QĐHB-XPHC ngày 8-3-2002 của UBND quận 1. Để Sở Xây dựng có cơ sở xem xét giải quyết, đề nghị Bà chấp hành quyết định xử lý của UBND quận 1”. Nhưng đến lúc này thì căn nhà của bà Mai đã có quy mô 10 tầng thật bề thế.

Xây dựng sai giấy phép vẫn được hoàn công !

Trong số 21 căn nhà xây dựng trái phép, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (KTST) TP (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) đã cấp phép 13/21 căn nhà , trong đó đã có 8 căn hoàn công. Tuy nhiên, một số căn hoàn công cả luôn phần xây dựng vi phạm với diện tích khá lớn. Đơn cử là khách sạn Lê Lê số 171 Phạm Ngũ Lão được KTST cấp GPXD cho ông Nguyễn Đình Vịnh vào ngày 15-12-1994 với quy mô: hầm, trệt, lửng, 4 lầu có chức năng làm nhà ở. Trên thực tế, ông Vịnh đã xây vượt hơn 3 tầng và sai với diện tích cho phép là 268,14 m2. Dù xây dựng sai phép với diện tích lớn như vậy, nhưng ngày 16-2-1996 ông Vịnh vẫn được Trưởng Văn phòng đại diện KTST TP - kiến trúc sư Võ Văn Tuấn (thừa ủy nhiệm KTST TP) cấp biên bản hoàn công số 386/BBHH-KVI với nội dung khác với GPXD. Cụ thể: quy mô là dạng nhà phố, hầm, trệt, 7 lầu... tổng diện tích xây dựng là 909,88m2.

Chỉ mới điểm qua vài hồ sơ của các căn nhà cao tầng xây dựng sai phép trên địa bàn quận 1 đã cho thấy có quá nhiều việc “khó hiểu” trong cách cấp phép, hướng dẫn thực hiện, quản lý xây dựng theo giấy phép, xử lý vi phạm xây dựng...

Trả lời báo chí trong giờ giải lao kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết cho rằng: “Nếu xử lý dân mà không xử lý cán bộ sai phạm thì mới là “công lý một nửa”. Đã đến lúc TP cần truy cứu trách nhiệm cụ thể của những cơ quan, những cá nhân được giao quản lý xây dựng trên địa bàn TP trong thời gian qua theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy là những ai quản lý lĩnh vực của mình mà không nghiêm để xảy ra nhiều tiêu cực, vi phạm thì phải chịu trách nhiệm. Và đã xử  lý thì cấp nào cũng phải xử  lý, kể cả cấp TP.