Vicarrent chiếm dụng ngân sách, trốn thuế

Quản lý.- Sở Tài chính - Vật giá Bà Rịa - Vũng Tàu ký hợp đồng vượt thẩm quyền cho phép, giúp Vicarrent chiếm dụng vốn ngân sách, trốn thuế nhập khẩu

Chiều 6-8, tại trụ sở Công ty Liên doanh Vicarrent (gọi tắt là Vicarrent) ở số 9 Lê Lợi, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Ðoàn Thanh tra liên ngành thành lập theo quyết định của UBND tỉnh BR-VT đã chính thức công bố kết luận thanh tra các hoạt động kinh doanh của Vicarrent từ năm 1988 đến nay.

Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2001, Vicarrent đã lỗ lũy kế 2,489 tỉ đồng, nợ phải thu mà thực chất là khoản rút vốn của phía đối tác nước ngoài trong liên doanh là 6,596 tỉ đồng, số vốn pháp định tham gia hoạt động kinh doanh của Vicarrent chỉ còn 6,412 tỉ đồng, bằng 37% so với vốn góp.

 

Kết luận thanh tra đặc biệt đi sâu vào các vấn đề uẩn khúc của hợp đồng 17/HÐ-VCR được ký kết ngày 19-4-1993 giữa Sở Tài chính - Vật giá (TC-VG) BR-VT với Vicarrent. Nội dung chính của hợp đồng này như sau: Vicarrent đồng ý cho Sở TC-VG BR-VT thuê dài hạn 30 xe ô tô du lịch 4 chỗ hiệu Toyota Tercel, model 1993, thời gian thuê là 4 năm với giá trị hợp đồng là 570.000 USD (19.000 USD/chiếc). Sau khi ký hợp đồng ba ngày, Sở TC-VG BR-VT chuyển cho Vicarrent số tiền 285.000 USD, tương ứng với 50% giá trị hợp đồng, vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng Ngoại thương Vũng Tàu, số tiền còn lại thanh toán ngay sau khi nhận đủ 30 xe. Bên cho thuê sẽ ra quyết định tặng 30 xe cho bên thuê khi thanh lý hợp đồng, bên thuê chỉ nộp thuế nhập khẩu theo quy định của Nhà nước. Sau khi ký hợp đồng, Vicarrent nhập khẩu 30 xe Toyota Tercel, đơn giá nhập 105.360 đô la HK/xe, tổng trị giá 30 xe là 3.160.800 đô la HK (tương đương 403.800 USD), được Bộ Tài chính miễn thuế nhập khẩu hơn 5,25 tỉ đồng do số xe này nhập để góp vốn đầu tư. Hội đồng quản trị Vicarrent xác định giá trị để góp vốn liên doanh là 9.000 USD/xe, tổng cộng giá trị góp vốn pháp định của lô xe trên là 270.000 USD, thấp hơn giá nhập ghi trên tờ khai hải quan là 133.800 USD. Thực tế giao nhận giữa Vicarrent và Sở TC-VG BR-VT là 23 xe, bao gồm 20 xe Toyota Tercel, 1 xe Honda Civic, 2 xe Fiat. So với hợp đồng 17/HÐ-VCR thì số lượng xe thực thuê ít hơn 7 xe, chủng loại có thay đổi nhưng đơn giá thuê vẫn bình quân 19.000 USD/xe. Số xe này sau đó được Sở TC-VG BR-VT giao cho một số cơ quan Nhà nước ở BR-VT sử dụng.

 

Kết luận thanh tra nêu rõ, Vicarrent không có chức năng cho thuê xe ô tô phục vụ các mục đích khác ngoài lĩnh vực du lịch, không đúng chức năng hoạt động. Việc Sở TC-VG BR-VT ký hợp đồng 17/HÐ-VCR là vượt quá thẩm quyền cho phép, Vicarrent vi phạm hợp đồng về thời gian giao xe không đúng cam kết là hai tháng kể từ ngày nhận được tiền tạm ứng nhưng Sở TC-VG BR-VT không có biện pháp xử lý, gây thiệt hại cho ngân sách do bị chiếm dụng vốn; Sở TC-VG BR-VT thực hiện nghiệp vụ quản lý tài chính lỏng lẻo, tích cực hỗ trợ Vicarrent trong việc dùng tiền ngân sách Nhà nước bảo lãnh mua ngoại tệ cho phía nước ngoài nhập khẩu xe góp vốn đầu tư. Ðây là hình thức mua bán nhằm trốn thuế nhập khẩu, giảm chi phí nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký xe lưu hành. Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, Sở TC-VG BR-VT đã có sự “gian dối” đối với UBND tỉnh BR-VT. Ðoàn thanh tra kết luận, ngân sách tỉnh BR-VT phải nộp thêm gần 2 tỉ đồng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt khi thanh lý hợp đồng.

 

Theo kết luận thanh tra, Phạm Văn Phương - nguyên phó tổng giám đốc Vicarrent, anh trai của Hoàng “nổ”, anh vợ của trung tá Ngô Chí Ðan, người đã bị Cơ quan An ninh Ðiều tra Bộ Công an bắt giữ vì tội danh “tống tiền, cưỡng đoạt tài sản” cũng đã có nhiều sai phạm, điển hình là vụ thanh lý lô 11 chiếc ô tô vào năm 2001. Qua xác minh thanh tra, việc mua bán này, ông Phạm Quốc Việt - em trai Phạm Văn Phương, Giám đốc Công ty Navi Taxi - đã hưởng chênh lệch 462 triệu đồng.  Kết luận thanh tra đề nghị UBND tỉnh BR-VT chuyển hồ sơ qua Cơ quan An ninh Ðiều tra Bộ Công an.