Cuối tháng 10 vừa qua, Cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT), thuộc Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 (liên doanh giữa Tổng Công ty Đường sông Miền Nam và 2 tập đoàn của Singapore, Nhật Bản), đã được tạp chí hàng hải châu Á Lloyd’s List bình chọn là “Cảng Container năng động nhất châu Á”. VICT được bình chọn dựa trên 3 tiêu chí chính: Mức tăng trưởng cao, hoạt động cảng tốt và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin vào quản lý.
Tăng trưởng 89%/năm
Năm 1994, Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 (FLDC) đã đầu tư 54 triệu USD để xây dựng cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam. Cảng tọa lạc trên diện tích 12 ha tại quận 7, TPHCM, với công suất 400.000 container/năm (loại 20 feet). Tháng 11-1998, VICT chính thức đi vào hoạt động. Ông Trương Văn Mỹ, Phó Tổng Giám đốc FLDC, nói: “Chúng tôi biết rằng, đầu tư một số tiền lớn trong thời điểm khủng hoảng tiền tệ ở khu vực và Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam chưa hoàn chỉnh là điều mạo hiểm. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời chưa có cảng container chuyên dụng hiện đại nào phục vụ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoạt động tại Việt Nam. Đây chính là sự hấp dẫn để chúng tôi quyết định đầu tư, và FLDC đã thành công”. Được biết, năm 1999, tổng sản lượng thông quan của VICT chỉ đạt 44.710 container, doanh thu đạt 2,7 triệu USD. Đến năm 2002, tổng sản lượng đã tăng lên 260.000 container, doanh thu ước đạt 15 triệu USD. Mức tăng trưởng trung bình của VICT là 89%/năm về sản lượng khai thác và doanh thu.
Hướng lợi ích về khách hàng
Ông Trương Văn Mỹ cho biết: Mục tiêu của VICT là mong muốn trở thành cảng container hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với hệ thống thiết bị hiện đại, quản trị chất lượng cao, dịch vụ hoàn hảo. Vì thế, triết lý kinh doanh của VICT là “hướng lợi ích về khách hàng”. Hiện nay, VICT được coi là cảng có hệ thống thiết bị xếp dỡ container đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cảng có 2 cẩu bờ chạy trên ray dùng cho hoạt động xếp dỡ tại 2 cầu tàu, 4 cẩu khung bánh hơi xếp dỡ container tại bãi. Đây là những thiết bị chuyên dùng của các cảng container hiện đại trên thế giới. Cụ thể, với 1 cẩu bờ chạy trên ray, có thể bốc xếp từ 25 - 28 container/giờ. Trong khi nếu dùng cẩu tàu hoặc cẩu di động “truyền thống”, công suất chỉ đạt 12 - 15 container/giờ. Điều này rất có ý nghĩa đối với các hãng tàu, vì rút ngắn được thời gian lưu bến, đảm bảo lịch trình và giảm chi phí.
VICT là cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống vi tính trong tất cả các hoạt động khai thác như: lập kế hoạch xếp dỡ, quản lý container trong bãi, giao nhận hàng hóa cho khách, kiểm soát hàng, cung cấp các dịch vụ khác... Ngoài ra, VICT còn áp dụng hệ thống trao đổi dữ liệu trực tuyến giữa cảng và các đối tác sử dụng dịch vụ cảng và thực hiện chế độ “một cửa” cho khách hàng...
Nâng công suất lên 500.000 container/năm
Hiện tại, VICT đang sử dụng cầu tàu dài 305 m, bãi container rộng 12 ha, nhưng đã “chạy” hết công suất. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển kinh doanh của cảng, hiện nay VICT đang mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Thái Văn Vinh, Trưởng Ban Quản lý dự án của FLDC, cho biết VICT đã đầu tư thêm 10 triệu USD để mở rộng bãi container lên 20 ha, xây dựng thêm cầu tàu dài 373 m, để nâng tổng chiều dài bến lên 678 m, lắp đặt thêm 2 cẩu bờ và 2 cẩu khung bánh hơi. Khi đó, công suất của VICT sẽ được nâng lên 500.000 container/năm. Dự kiến toàn bộ các hạng mục mới sẽ được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1-2003.