Việt Nam đang đạt “cơ cấu vàng” về dân số
Theo bản báo cáo “Dân số thế giới 2006” vừa được Cục Tham chiếu dân số Mỹ công bố, tuổi thọ trung bình của người VN là 72
Ngày 23-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thiện Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em VN, khẳng định: Mục tiêu đến năm 2010, tuổi thọ của người VN sẽ là 71, nhưng năm 2005 chúng ta đã vượt qua con số này.. Phóng viên: Thưa ông, những yếu tố nào làm tuổi thọ người VN tăng nhanh như vậy?
- Ông Nguyễn Thiện Trưởng: Những năm qua, chỉ số phát triển con người (HDI) ở VN đã tăng từ mức trung bình lên mức khá cao, vị trí xếp hạng về HDI năm 2005 là 108/177 nước được xếp hạng trên thế giới, tăng 4 bậc so với báo cáo năm 2004. Tuổi thọ trung bình của dân số từ 66,4 tuổi (năm 1998) lên 71,3 tuổi vào năm 2005. Yếu tố làm tuổi thọ người VN tăng là do thành công của các chương trình y tế quốc gia, mở rộng mạng lưới y tế cơ sở, áp dụng thành công các kỹ thuật cao trong điều trị trên phạm vi toàn quốc.
. Còn tuổi thọ bình quân khỏe mạnh là bao nhiêu?
- Mặc dù tuổi thọ bình quân khá cao so với mức thu nhập của nền kinh tế đất nước, nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2002, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh của người VN lại rất thấp, chỉ đạt 58,2 tuổi và xếp thứ 116 so với 174 nước trên thế giới.
. VN đã có thống kê cụ thể về tuổi thọ ở các vùng, miền cũng như các tầng lớp dân cư chưa?
- Chưa có một thống kê nào về vấn đề trên, nhưng theo nhiều báo cáo, người dân ở các vùng nông thôn và miền núi có tuổi thọ khá cao.
. Với tuổi thọ cao như vậy, phải chăng dân số nước ta đang trong quá trình già hóa, thưa ông?
- Do giảm sinh nhanh và tuổi thọ tăng, dân số nước ta bắt đầu chuyển sang quá trình già hóa. Số trẻ em dưới 15 tuổi giảm từ 26 triệu năm 2000 xuống 21,8 triệu năm 2010. Người già từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 6,3 triệu năm 2000 lên 7 triệu năm 2010, làm tăng nhu cầu bảo đảm phúc lợi xã hội và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già. Số người từ 15 - 59 tuổi tăng từ 45,4 triệu năm 2000 lên 58,7 triệu năm 2010. Đây sẽ là tiềm năng to lớn cho sự phát triển đất nước, nếu lực lượng này được đào tạo và được sử dụng hợp lý. Ngược lại, chính lực lượng này sẽ là áp lực lớn đối với sự phát triển nếu không được đào tạo thích hợp và không có đủ việc làm ổn định. Đồng thời, số người già sẽ tăng lên. Dự báo, dân số VN sẽ bước sang giai đoạn già hóa vào khoảng năm 2014-2016 (với tỉ lệ người già trên 10%).
. Với cơ cấu này, liệu giai đoạn “cơ cấu vàng” của dân số VN có bị ảnh hưởng không?
- Hiện tại, cơ cấu dân số theo độ tuổi đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tỉ lệ dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh, từ 33,5% (1999) còn 27,1% (2005). Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng từ 58,4% lên 64%, trong đó hầu hết giảm tỉ lệ phụ thuộc trẻ em ở độ tuổi 0 - 14 (57% xuống còn 44%). Tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên trong 5 năm qua chỉ tăng từ 8,1% lên 9%. Trong khi đó, những năm qua, tỉ lệ phụ thuộc của nhóm người già không thay đổi, vẫn ở mức 14%. Như vậy, hiện cứ 100 người trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 tuổi chỉ còn phải nuôi 58 người thay cho con số 65 người vào năm 1999. Với cơ cấu này, dân số VN vẫn đang trong giai đoạn có dồi dào lực lượng lao động.
. Trong bản báo cáo “Dân số thế giới 2006” do Cục Tham chiếu dân số Mỹ vừa công bố có đưa ra một con số rất đáng báo động: Chỉ 26% dân số được tiếp cận hệ thống vệ sinh cải tiến tại vùng nông thôn VN. Ông có nhận xét gì về đánh giá này?
- Trong những năm qua, chất lượng dân số đã có bước phát triển rõ rệt, đạt được những kết quả quan trọng. Người dân ngày càng được tiếp cận với những điều kiện sống tốt hơn. Tôi nghĩ con số 26% mà Cục Tham chiếu dân số Mỹ đưa ra là chưa toàn diện và chưa chính xác. Tôi cũng không hiểu tiêu thức, cơ sở của họ khi đánh giá về hệ thống vệ sinh cải tiến tại vùng nông thôn VN như thế nào. Tuy nhiên, nếu lấy các tiêu thức của Mỹ để làm cơ sở đánh giá ở VN thì nhiều tiêu chuẩn khác cũng không đạt yêu cầu chứ không riêng gì hệ thống vệ sinh.