Việt Nam - Đối tác phát triển

Với thu nhập bình quân đầu người gần 2.000 USD, từ một quốc gia chuyên nhận vốn ODA với nhiều ưu đãi, Việt Nam chuyển sang thế đối tác chiến lược với các nhà tài trợ

Với chủ đề “Thiết lập quan hệ đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”, Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) khai mạc ngày 5-12 tại Hà Nội đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa nước ta với các đối tác. Đây là diễn đàn đầu tiên thay thế Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam. Trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, từ việc được hưởng các khoản vay ODA ưu đãi với lãi suất thấp hoặc ân hạn lâu dài, Việt Nam sẽ đối mặt việc các nguồn vốn này giảm hoặc phải vay lãi suất cao phù hợp với bối cảnh viện trợ toàn cầu.

Sẽ phát triển bằng nội lực

Tham dự VDPF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam hiện đạt gần 176 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD, tăng 23% so với năm 2012. Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn, nhiều khả năng năm 2015 sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Việt Nam đã có bước trưởng thành. Việt Nam cần phải thay đổi tư duy về vấn đề ODA. Trước đây, chúng ta nhận ODA là mong muốn viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi. Bây giờ, chính sách của quốc tế với chúng ta đã bắt đầu giảm dần ưu đãi, chuyển dần sang vay thương mại”.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để đạt những mục tiêu trên. Tuy nhiên, theo bà Kwakwa, tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn còn chậm, tác động của khu vực nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp, khu vực kinh tế quốc doanh trì trệ.
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu dự Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân; đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính, tạo sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Thể hiện cam kết rõ ràng của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định năm 2014 Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: bảo đảm tăng trưởng đạt khoảng 5,8%, tiếp tục giữ ổn định tỉ giá, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cao. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội bằng nội lực là chính, đồng thời mong muốn các đối tác tiếp tục hỗ trợ về tư vấn chính sách, kỹ thuật, nguồn lực...

Cam kết tài trợ không giảm

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tuy thay đổi hình thức viện trợ nhưng các nhà tài trợ cam kết về cơ bản không giảm mức đầu tư cho Việt Nam trong năm 2014. Con số đó không thấp hơn của năm 2013 - 6,5 tỉ USD.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Franz Jessen, cho biết thời gian tới, EU cam kết tăng cường nguồn lực hỗ trợ Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu sang EU chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. EU muốn thấy rõ hơn cam kết của Việt Nam để tăng tỉ trọng này trong thời gian tới.

Cũng bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam cải cách kinh tế, phát triển nguồn nhân lực nhưng Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tỏ ý quan ngại về việc chậm triển khai thực hiện một số dự án ODA do nước này tài trợ. 

Tuy đã giảm nghèo nhưng Việt Nam hiện còn khoảng 19 triệu người nghèo, trong đó có 75% là người dân tộc thiểu số; một lượng lớn người đang ở ngưỡng tái nghèo và dễ rơi vào tình trạng nghèo khổ.