Vĩnh biệt một con người của lịch sử

Cách đây mới nửa năm trên Báo Người Lao Động Chủ nhật tôi đã viết bài “Người cận vệ của lịch sử” nhân mừng thọ lần thứ 85 của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cũng để tri ân những gì ông đã tham gia và hỗ trợ cho các hoạt động sử học. Vậy mà, hôm nay đã phải viết mấy dòng vĩnh biệt ông

Tối 12-6, sau thông báo chính thức của Nhà nước về sự ra đi của ông, Đài Truyền hình TPHCM phát lại bộ phim được làm vào dịp kỷ niệm ông 80 tuổi. Tôi được anh em làm phim mời viết lời bình cho bộ phim này. Đó là cơ hội đầu tiên để tôi hiểu về vị nguyên Thủ tướng của chúng ta. Bộ phim nhắc lại cuộc đời của một nhà cách mạng đã trải qua nhiều biến cố quan trọng nhất của thế kỷ 20 trên đất nước Việt Nam. Võ Văn Kiệt luôn có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió, ví như trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) gắn liền với sự đàn áp khốc liệt của thực dân; những năm tháng lãnh đạo nhân dân Sài Gòn-Gia Định trong suốt hai thập kỷ chiến tranh cũng khốc liệt gắn liền với biểu tượng Đất Thép Củ Chi; thời kỳ không kém phần gian khổ hy sinh đòi hỏi sự sáng tạo và tỉnh táo của những tháng năm sau Hiệp định Paris để chuẩn bị tiền đề cho trận đánh cuối cùng đi đến toàn thắng...

Khi viết lời bình cho phim, hình ảnh ông Võ Văn Kiệt trầm ngâm bên những nấm mộ của những người thân yêu nhất trong gia đình đã hy sinh chỉ trong một trận tập kích của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, khiến tôi hiểu ở con người đã từng chịu đựng một sự mất mát to lớn như vậy sẽ luôn có được độ sâu sắc trong mọi suy nghĩ và hành động khi thực hiện lý tưởng của mình, lý tưởng của một nhà cách mạng thực thụ. Không phải tự nhiên mà ông chính là nhà lãnh đạo đã có những đóng góp to lớn cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như thành tâm chủ trương hòa giải dân tộc để khép lại một mảng quá khứ của những hận thù và đau khổ đã phân ly cộng đồng dân tộc của mình...

Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi và đối với lịch sử thì chiến tranh sẽ chỉ là những khoảnh khắc. Xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu phát triển và hạnh phúc của người dân mới là việc lâu dài và khó khăn. Đó là thử thách đôi khi còn lớn hơn cả cầm súng đánh giặc. Trở thành một người anh hùng trong công cuộc dựng nước chắc chắn sẽ khó hơn rất nhiều, hiếm hơn rất nhiều để trở thành người anh hùng trong chiến tranh. Võ Văn Kiệt xứng đáng là người anh hùng của công cuộc đổi mới.

Đài RFI phỏng vấn đề nghị tôi bình luận về đánh giá của một chính khách lớn của phương Tây định danh Võ Văn Kiệt là một “kiến trúc sư” của công trình đổi mới. Tôi trả lời rằng tập quán chính trị ở Việt Nam là lãnh đạo tập thể, những đường lối chiến luợc thường được quyết định ở những cương lĩnh của các đại hội quan trọng của Đảng Cộng sản. Khái niệm “kiến trúc sư” có thể không hợp với hoàn cảnh Việt Nam, nhưng vai trò của người điều hành của bộ máy hành pháp, nhất là trong cương vị người đứng đầu Chính phủ trong công cuộc đổi mới là vô cùng quan trọng. Bản lĩnh và sáng tạo là hai nhân tố hàng đầu tạo nên những đột phá để lại dấu ấn trong lịch sử dẫn dắt những ý chí trở thành hiện thực. Dấu ấn ấy không chỉ thể hiện bằng những thành quả cụ thể mà còn tạo nên những ấn tượng sâu sắc về tính cách của một con người... Võ Văn Kiệt là một con người như vậy. Chỉ một công trình xây dựng đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam đã khắc họa một tính cách cũng là một năng lực không dễ có nhưng rất cần ở những nhà lãnh đạo.

Với thời gian, lịch sử sẽ còn nhiều lần lên tiếng để định vị ông trong chương sử của thời đại mà ông đã sống và hoạt động. Nhưng với riêng tôi và những đồng nghiệp trong giới sử học rất ấn tượng và biết ơn ông như một người “cận vệ của lịch sử” hiểu theo nghĩa là người đóng góp vào việc xác lập và quan tâm đến những giá trị của lịch sử. Ông đến với giới sử học bằng sự chân thành của một người ham hiểu biết, bằng một trí tuệ của người từng trải và một nguyên lý mà ông theo đuổi một cách mạnh mẽ, nhất là sau khi ông đã rời những chức vụ chính thức, có điều kiện nhìn lại những trải nghiệm đã qua của lịch sử dân tộc và chính cuộc đời của mình... Nguyên lý đó là phải công bằng với cả quá khứ.

Khi đề cập tới một vấn đề lịch sử, chưa bao giờ tôi thấy ông hành xử như một người chỉ quen ra lệnh, ông không bao giờ khẳng định quan điểm của mình trước khi đặt ra câu hỏi “Vì sao?”. Ví như ông mời chúng tôi đến và hỏi “Vì sao Tả quân Lê Văn Duyệt phò chúa Nguyễn chống Tây Sơn mà vẫn được dân tôn sùng như thành hoàng, Lăng Ông ở Sài Gòn luôn được dân gìn giữ chiêm bái?”. Hoặc câu hỏi “Có hay không câu “Phan - Lâm mãi quốc triều đình khi dân” chép trong sử mà dân Nam Bộ vẫn sùng kính cụ Phan Thanh Giản?” v.v... Ông yêu cầu và ủng hộ chúng tôi tổ chức hội thảo để làm sáng tỏ. Và một khi ông nhận thấy vấn đề đã sáng tỏ là ông hành động, một cách thận trọng nhưng kiên định đến cùng. Lần cuối cùng tôi gặp ông cũng xoay quanh dự kiến về bức tượng nhà bác học Yersin mà ông sẽ tặng cho TP Đà Lạt nhân kỷ niệm 115 năm thành lập tổ chức vào cuối năm nay.

Ông đã tâm sự với chúng tôi rằng trong chiến tranh có rất nhiều hy sinh, đôi khi hy sinh cả sự công bằng. Vì thế khi hòa bình, chúng ta không chỉ khôi phục hậu quả chiến tranh bằng việc xây dựng lại những công trình đã đổ nát, bù đắp phần nào những hy sinh mất mát của người dân... mà còn phải khôi phục lại những lẽ phải đã được cuộc sống chứng minh trong đó có cả việc khắc phục những lầm lỡ của một thời bất khả kháng...

Có lẽ vì thế mà cho đến cuối đời, ông càng thể hiện tính cách của một nhà phản biện những đường lối chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Sự phản biện của ông luôn có nền tảng của những luận chứng khoa học là ông đã để tâm suy nghĩ rất lâu và sau khi đã lắng nghe rất kỹ tiếng nói của đời sống thực tiễn, tiếng nói của người dân và của các chuyên gia mà ông luôn có ý thức để tiếp cận. Những phản biện của ông có hàm lượng rất cao của những bài học lịch sử sâu sắc mà chính ông đã trải nghiệm trong đời sống và trong sách vở... Những phản biện một cách chân thành và xây dựng ấy là một trong những biểu hiện của tinh thần trách nhiệm cả với quá khứ và với tương lai của một con người nắm được cái hữu hạn của một cuộc đời.

Chính vì những cảm tình ấy mà chúng tôi, những người làm sử cảm thấy sự ra đi của Võ Văn Kiệt còn là một mất mát trong đội ngũ của mình. Nhưng giờ đây, Võ Văn Kiệt đã trở thành một nhân vật của lịch sử, tên tuổi và sự nghiệp mà ông đã đóng góp cho lịch sử sẽ để lại những ấn tượng và những bài học sâu sắc cho nhiều thế hệ mai sau về phẩm cách của một người cách mạng, một người cộng sản kiên định và thức thời nhờ biết trân trọng với những giá trị của lịch sử.

Thế giới đánh giá cao cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Báo chí Tây Ban Nha ngày 13-6 đã đăng nhiều bài viết đánh giá cao những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo El Pais, tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất Tây Ban Nha, bình luận nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là “tác giả của những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam, giúp hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đảm nhiệm chức thủ tướng từ năm 1991 đến năm 1997, ông Võ Văn Kiệt là người đã thực hiện thành công đường lối “đổi mới” do nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng. Nhờ những chính sách của ông, trong 20 năm qua, tổng thu nhập trong nước (GDP) của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, thu nhập của nông dân tăng gấp 10 lần, tỉ lệ người nghèo đã giảm từ 70% xuống dưới 20%. Nền kinh tế Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng 7,5% trong suốt 2 thập kỷ qua. Tờ báo cũng đánh giá cao công lao của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, mở đường cho Việt Nam hội nhập với cộng đồng quốc tế.

img
Nhiều đoàn ngoại giao ở TPHCM đến viếng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: M.Nam

Các trang điện tử EcoDiario.es và gaceta.es của Tây Ban Nha nêu rõ “ ông Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo năng động, kiến trúc sư của sự biến đổi nền kinh tế của Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ 20”.

Dưới đầu đề “Võ Văn Kiệt: Thủ tướng cải cách của Việt Nam”, Báo Independent của Anh số ra ngày 13-6 nhấn mạnh rằng trong thời gian làm Thủ tướng của Việt Nam (1991 - 1997), nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những nhân tố chủ chốt của quá trình “đổi mới” và cải cách kinh tế. Ông đứng đằng sau một loạt các kế hoạch được vạch ra để thu hút hàng tỉ USD đầu tư nước ngoài, mở rộng ngoại thương và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 8%. Ông cũng có công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 1995.

Website của báo Guardian khẳng định: “Nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt vừa mất, sẽ được nhớ mãi như một nhà lãnh đạo năng động, kiến trúc sư của sự biến đổi kinh tế của Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ 20, đưa đất nước của ông ra khỏi tình trạng trì trệ kéo dài. Ông Kiệt đã mở rộng các mối quan hệ ngoại giao và thương mại với nhiều nước, và giúp thúc đẩy viện trợ quốc tế và đầu tư nước ngoài”.

K.Th