Vinh danh “tiến sĩ nấm”
Với quá trình nghiên cứu, đi sâu vào lĩnh vực ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ côn trùng hại lúa - hiện đang ứng dụng rộng rãi, TS Nguyễn Thị Lộc đã được vinh danh bằng Giải thưởng Kovalevskaia
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 tới đây, TS Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Sinh thái côn trùng - Phòng trừ sinh học thuộc Viện Lúa ĐBSCL, sẽ là một trong hai phụ nữ vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2010. Với giải thưởng danh giá này, tài năng và nghị lực của người phụ nữ có biệt danh “tiến sĩ nấm” đã được khẳng định. Tuy nhiên, để có được thành quả như hôm nay, bà đã phải vượt qua bao khó khăn trên con đường nghiên cứu khoa học.

Kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Lộc đang được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn (ảnh do nhân vật cung cấp)
Từ một sự tình cờ
TS Nguyễn Thị Lộc sinh năm 1956, tại Quốc Oai - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), trong một gia đình nông dân chính gốc. Là con thứ ba trong gia đình 8 anh chị em, từ nhỏ, cô bé Lộc đã phải đảm đương nhiều việc: giữ em, giặt đồ, nấu cơm, làm ruộng… Thấy cha mẹ vật lộn với ruộng đồng nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo đuổi, ước mơ trở thành một nhà khoa học nông nghiệp để giúp nông dân cải thiện đời sống luôn đau đáu trong Lộc. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Nông nghiệp 1 - Hà Nội chuyên ngành bảo vệ thực vật, Lộc tình nguyện vào công tác tại Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp vùng ĐBSCL (nay là Viện Lúa ĐBSCL).
TS Lộc tâm sự: “Khi mới đặt chân vào vùng đất này, cảnh vật, con người xa lạ khiến tôi không khỏi nao núng. Lúc đó, ở đây chỉ có vài căn nhà tranh, xung quanh rất nhiều cỏ lác, muỗi lại nhiều, phải đi bằng ghe mới ra tới lộ. Cuộc sống rất khó khăn nhưng tôi nghĩ đã vào đây thì nhất quyết phải bám trụ để nghiên cứu. Ở vùng sông nước miền Tây, thấy bà con nông dân phun thuốc trừ sâu nhưng lại múc nước ở kênh, mương gần đó lên sử dụng, tôi luôn ấp ủ mơ ước chế tạo ra chế phẩm sinh học thay thế các hóa chất độc hại”. Hơn 30 năm công tác, nghiên cứu, ước mơ của TS Lộc giờ đã thành hiện thực.
Khi TS Lộc mới vào Nam, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp vùng ĐBSCL vừa thành lập, có hợp tác song phương đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với Ấn Độ. “Tôi rất mê đi học nhưng nếu sang Ấn Độ thì phải biết tiếng Anh, mà tôi lại mù tịt ngoại ngữ này do hồi học các trường ngoài Bắc chỉ toàn tiếng Nga. Đây là điểm thua sút của tôi so với các đồng nghiệp trong Nam” – bà nhớ lại.
Cuối năm 1981, TS Lộc sinh con trai đầu lòng và được nghỉ 2 tháng rưỡi. Sau đó, bà được cơ quan cử đi học bằng A tiếng Anh tại TPHCM. “Đến lớp, thầy hỏi ai chưa biết tiếng Anh thì chỉ có tôi và một người nữa giơ tay, những người còn lại đều đã có căn bản tiếng Anh. Điều này cũng làm tôi hết sức lo lắng. Để bắt kịp bạn bè, không chỉ trong giờ chính thức, mỗi buổi tối, tôi còn đạp xe đến nhà thầy học thêm… Cuối cùng, tôi cũng lấy được bằng A tiếng Anh” – TS Lộc kể.
Cuối năm 1985, TS Lộc sinh con gái thứ hai và được nghỉ làm việc 6 tháng. Trong thời gian này, bà mày mò tự học tiếng Anh ở nhà để chuẩn bị du học. Năm con gái lên 3 tuổi, bà lên đường sang Ấn Độ học thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành côn trùng học. “Khi sang Ấn Độ, tôi rất nhớ con, ngày nào cũng khóc. Tuy nhiên, do tiếng Anh chưa thạo, thầy giảng bài chỉ hiểu được 30%, tôi phải hết sức tập trung học nên cũng tạm nguôi ngoai nỗi nhớ chồng con, quê nhà” – TS Lộc tâm sự.
Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho TS Lộc do bà đã nghiên cứu, đi sâu vào lĩnh vực ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ côn trùng hại lúa và hiện đang được ứng dụng rộng rãi. Bà nhớ lại: “Lúc học tiến sĩ ở Ấn Độ, trong một lần đi từ ký túc xá lên thư viện đọc sách, tình cờ tôi thấy đám ruộng bị cháy do rầy liền đến xem. Lúc vạch ra, tôi phát hiện nhiều con rầy còn sống bâu xung quanh những con đã chết, cạnh đó là một loại nấm trắng. Tôi đã đặt ra hai giả thuyết: Loại nấm trắng này mọc làm rầy chết hoặc rầy chết rồi nấm mới mọc. Vì vậy, tôi đã đem loại nấm này về phòng thí nghiệm. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy ở bộ môn vi sinh vật và côn trùng học, tôi đã phân lập ra đây là loại nấm ký sinh côn trùng tên Beauveria Bassiana - nấm trắng”.
Thế là từ một sự tình cờ, luận văn tốt nghiệp “Khai thác tiềm năng phòng trừ sinh học của nấm trắng trong phòng trừ các loại rầy hại lúa” của bà đã đạt loại xuất sắc.
Ứng dụng thực tiễn
Ngoài TS Nguyễn Thị Lộc, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2010 còn được trao cho PGS-TS Lương Chi Mai, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng Phòng Nhận dạng và Công nghệ tri thức Viện Công nghệ Thông tin - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. |
Năm 2002, TS Lộc đã nghiên cứu thành công hai quy trình sản xuất nấm xanh và nấm trắng, được công nhận là tiến bộ kỹ thuật cấp bộ. Từ hai loại nấm này, TS Lộc cho ra đời hai chế phẩm sinh học là Ometar (nấm xanh) và Biovip (nấm trắng), được đặc cách đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng rộng rãi để trừ sâu, rầy nâu, bọ xít hại lúa ở nhiều tỉnh, TP phía Nam. Hiện hai quy trình này đã được cải tiến với quy mô lớn (công suất 3 tấn/tháng), chất lượng và hiệu quả cao, hòa tan được trong nước, rất tiện dụng cho bà con nông dân.
Thời gian gần đây, “tiến sĩ nấm” còn nghiên cứu thành công “Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm Ometar ở quy mô nông hộ” và đã tập huấn chuyển giao cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân tại ĐBSCL. Quy trình này giúp tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí sản xuất hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, TS Lộc còn chuyển giao 5 quy trình trồng rau an toàn cho 5 loài rau chủ lực, đem lại hiệu quả cao cho nông dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.
TS Nguyễn Thị Lộc còn chủ trì 27 đề tài và dự án, trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước, 5 dự án quốc tế, 19 đề tài cấp bộ - tỉnh, đồng thời công bố 89 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành. Với những đóng góp đó, TS Lộc đã được trao nhiều huân chương, bằng khen của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ…
Nói về Giải thưởng Kovalevskaia mà mình vinh dự được nhận nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, TS Lộc bộc bạch: “Tôi mong lớp trẻ ngày nay, nhất là nữ giới, nên phấn đấu nghiên cứu nhiều công trình khoa học có ứng dụng trong thực tiễn, để đưa đất nước ta ngày càng phát triển hơn”.
Hậu phương vững chắc Ông Tạ Văn Thực, chồng TS Nguyễn Thị Lộc, cũng đang công tác tại Viện Lúa ĐBSCL. Ông Thực cho biết ông và TS Lộc ở cùng quê, biết nhau hồi học phổ thông nhưng không thân lắm. Sau khi cô bạn vào học đại học, ông cũng nhận được giấy nhập ngũ.
![]() “Tiến sĩ nấm” và chồng - ông Tạ Văn Thực. Ảnh: CA LINH Tại Hà Nội, trong một lần tình cờ lên xe về quê, họ đã gặp lại nhau, cùng trò chuyện và tình yêu nảy nở từ đó. Những bức thư tình cứ dày lên và sau khi Lộc học xong đại học, hai người cùng nhau xây tổ ấm. Nhưng sau đám cưới 10 ngày, TS Lộc phải vào Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp vùng ĐBSCL làm việc, còn ông công tác ở Bộ Tư lệnh Hải quân tại TPHCM. Do thấy vợ ham học nhưng lại phải chăm sóc con nên ông xin chuyển về Viện Lúa ĐBSCL. Khi vợ sang Ấn Độ du học, một mình ông phải gồng gánh mọi việc, vừa lo cho hai con vừa đi làm, đi học tại chức lấy bằng đại học.
Ông Thực chia sẻ: “Thời gian ấy vất vả lắm, buổi sáng, tôi phải đạp xe hơn một giờ rưỡi từ Ô Môn tới Cần Thơ đi học, buổi chiều, chạy về rước con. May là hai đứa cũng ngoan, học rất giỏi”. Anh con trai lớn của ông bà hiện là nghiên cứu sinh tại London - Anh, còn cô con gái vừa tốt nghiệp ngành kiểm toán, cũng tại London. TS Lộc thổ lộ: “Tôi có được thành công như hôm nay là nhờ có ông xã luôn động viên và chăm sóc hai con chu toàn để tôi yên tâm học tập, nghiên cứu”. |