Vốn FDI vào VN tăng, song chất lượng còn thấp
“Những triển vọng về sự tiếp tục gia tăng dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2004 là đầy hứa hẹn”. Đó là nhận định của ông Carlos Fortin, Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), được công bố ngày 23-9 tại Hà Nội.
VN được nhận định là nơi có nguồn vốn FDI khá ổn định và có xu hướng tăng lên, nhưng mới đứng thứ 75/140 nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng VN cần cải thiện hơn nữa về chất lượng vốn FDI (tạo việc làm, thu hút công nghệ cao, xuất khẩu...).
Ông Pedro Ortega Sanchez, chuyên gia kinh tế của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cho biết: Các luồng FDI vào châu Á và Thái Bình Dương đã tăng từ 94 tỉ USD năm 2002 lên 107 tỉ USD trong năm 2003. Mười nền kinh tế lớn chiếm tới 90% tổng các dòng vốn FDI vào châu Á là Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Azerbaijan, Kazakhstan.
Việt Nam xếp thứ 75 trên thế giới về “Chỉ số tiềm năng thu hút FDI”
UNCTAD dự đoán FDI sẽ phục hồi trong năm 2004 ở hầu hết các nước đang phát triển do tăng trưởng kinh tế đã lấy lại đà. Tuy nhiên, sự phục hồi này không có nghĩa là tất cả các nước sẽ biến tiềm năng FDI của họ thành hiện thực. Trên thực tế, chỉ số thành tích thu hút FDI-thước đo tính hấp dẫn của một đất nước đối với FDI - đã cho thấy rằng: Những nền kinh tế như Cộng hòa Séc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Ireland tiếp tục thu hút được những khoản đầu tư đáng kể ngay cả trong thời kỳ suy thoái FDI. Trái lại, những nước như Nhật Bản, Nam Phi và Thái Lan vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng của họ để thu hút FDI. Được nhận định là tăng trưởng về vốn và đầu tư nước ngoài vào VN khá ổn định và có xu hướng tăng lên, tuy nhiên, theo bảng xếp hạng này, Việt Nam chỉ đứng thứ 75/140 nước trên thế giới về “Chỉ số tiềm năng thu hút FDI’’ đứng trước Surinam, Gabon, Jamaica, Namibia, Peru và xếp thứ 50 về “Chỉ số hoạt động thu hút FDI”.
Cạnh tranh gay gắt thu hút FDI trong các ngành dịch vụ
Theo ông Karl P.Sauvant, Vụ trưởng Đầu tư của UNCTAD, dòng FDI trên thế giới đã chứng kiến một sự chuyển hướng rõ rệt sang khu vực dịch vụ với 60% giá trị FDI toàn cầu (ước tính 4.400 tỉ USD). Nổi bật trong số đó là các dịch vụ về điện, viễn thông, nước và rất nhiều loại dịch vụ kinh doanh. Trong khoảng thời gian từ 1990 tới 2002, đầu tư nước ngoài đổ vào ngành điện, gas và nước tăng từ 10 tỉ USD lên 144 tỉ USD; các lĩnh vực viễn thông, kho bãi và vận tải đón nhận 476 tỉ USD so với vỏn vẹn 29 tỉ USD trước đây. Tỉ trọng của toàn bộ dòng FDI ở các nước ASEAN từ 30% năm 2002 đã tăng lên 48% năm 2003. FDI trong dịch vụ ở các nước kém phát triển hơn như Bangladesh và Pakistan cũng tăng do đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và lĩnh vực công ích. Trong dịch vụ, một tỉ lệ lớn FDI của khu vực là tới các lĩnh vực tài chính, vận tải, viễn thông và các dịch vụ kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến hoạt động công nghệ thông tin. Sự cạnh tranh thu hút FDI trong các dịch vụ có giá trị gia tăng cao đang trở nên gay gắt hơn giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Việt Nam đang tụt hậu về dịch vụ
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực dịch vụ kinh doanh ở VN đang bị tụt hậu. Ở các nước phát triển, tỉ trọng dịch vụ chiếm tới trên 50% thậm chí 70% GDP, thậm chí còn cao hơn nhưng ở VN tỉ trọng này chỉ đạt được 40% và trong những năm gần đây giảm xuống còn 38%. Bà Christina Harnander, cố vấn trưởng dự án thương mại trong khu vực dịch vụ, cho rằng: Để cải tiến thương mại về hàng hóa, VN cần phải có các dịch vụ về cảng, về giao thông vận tải... nhưng VN chưa có một chiến lược tổng thể về dịch vụ đối với các ngành kinh tế. Hiện nay các ngành dịch vụ của VN hoạt động riêng lẻ, thiếu kết hợp, chính vì vậy đầu năm 2005 VN phải xây dựng xong kế hoạch phát triển kinh tế –xã hội cho giai đoạn từ 2006-2010 bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ. “Đây không phải là vấn đề cam kết chính trị mà là mấu chốt của việc phát triển kinh tế” - bà Christina Harnander nói.
----------------------
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP:
Chú trọng chất lượng hơn là số lượng
VN vẫn tiếp tục thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vì môi trường VN ngày càng được cải thiện (hơn hẳn Indonesia). Tốc độ thu hút FDI như hiện nay của VN là rất tốt, các dòng đầu tư vào VN tuy nhỏ nhưng rất ổn định, đặc biệt nhờ những dòng đầu tư này VN có thể tăng cường năng lực và nhận được sự chuyển giao công nghệ. Theo tôi, VN không nhất thiết phải tập trung thu hút số lượng các nhà đầu tư mà cần phải cải thiện hơn nữa về chất lượng vốn đầu tư (tạo công ăn việc làm, thu hút được công nghệ, tăng xuất khẩu...). Nhược điểm hiện nay của VN là quan tâm quá nhiều đến số lượng FDI trong khi các nước đã quay sang chú trọng thu hút chất lượng các nguồn vốn FDI.
Ông Pedro Ortega Sanchez, chuyên gia UNDP:
Các nhà đầu tư đều nhắm đến một nền kinh tế thực sự cạnh tranh
Tổng khối lượng vốn FDI thu hút được không phải là mục tiêu quan trọng nhất mà cần chú ý hơn cả vẫn là chiến lược để thu hút FDI, đặc biệt là vào lĩnh vực dịch vụ và tạo được giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Phải phát triển mạnh hơn kinh tế tư nhân và phải tạo ra được sự cạnh tranh thật sự và bền vững trong nền kinh tế. Một nền kinh tế thực sự cạnh tranh-đấy là điều các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến khi đầu tư.