VSL “chia thầu” khoảng 9 tỉ đồng cho Vĩnh Thịnh
Do chưa được trả lương, một tốp công nhân Công ty Vĩnh Thịnh bỏ đi tìm việc khác, tốp khác đình công nên thoát chết. Gia đình các công nhân tử vong bức xúc cách hỗ trợ của Công ty Vĩnh Thịnh
Chiều 3-10, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo NLĐ, ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Vĩnh Thịnh (trụ sở đặt tại 163/34/4 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức - TPHCM), xác nhận nhà thầu phụ VSL (Thụy Sĩ) đã ký hợp đồng với công ty để thi công một số hạng mục tại nơi xảy ra tai nạn và một số hạng mục khác.
Ký hợp đồng nhưng không biết… chủ đầu tư!
Ông Vị cho biết, dù Vĩnh Thịnh là công ty còn non trẻ (thành lập tháng 6-2006), nhưng thành viên của công ty là những kỹ sư giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm thi công một số cây cầu lớn trong nước cũng như thi công lắp ráp kết cấu thép. Vì thế, nhà thầu phụ VSL đã chọn Vĩnh Thịnh ký hợp đồng để thi công những hạng mục tại cầu Cần Thơ. Theo đó, Vĩnh Thịnh thi công đúc hẫng cân bằng dầm cầu chính tại trụ tháp Bắc và đúc trên đà giáo dầm cầu của 2 nhịp dẫn phía Bắc tại địa điểm xảy ra tai nạn (trụ P13, P14, P15). Ngoài ra, Vĩnh Thịnh còn đảm nhận thi công luôn đà giáo dầm cầu của những nhịp dẫn phía Nam cầu Cần Thơ (P16, P17, P18). Tất cả các hạng mục này đều được thực hiện dưới sự giám sát, chỉ dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của nhà thầu VSL cùng với giám sát của nhà thầu TKN và tư vấn giám sát.
Ông Vị khẳng định hợp đồng mà phía Vĩnh Thịnh ký với nhà thầu phụ VSL là khoảng 9 tỉ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng này có được phía VSL báo cáo lên đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) hay không thì Vĩnh Thịnh không biết (!?).
Vượt tiến độ nhưng vẫn... gặp sự cố!
Ông Vị cho biết, cũng như bao công ty khác, Vĩnh Thịnh đã huy động 10 kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề từ TPHCM và các nơi khác đến công trường cầu Cần Thơ để làm lực lượng thi công nòng cốt, đồng thời thuê thêm công nhân (CN) lao động phổ thông tại địa phương. Tất cả số CN này đều được công ty trực tiếp chấm công, bố trí việc làm phù hợp với khả năng từng người.
![]() |
Công nhân Công ty Vĩnh Thịnh may mắn thoát chết ngồi thất thần tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Đ.KHÁNH |
Về chế độ lương, công ty trả một lần vào đầu tháng và chưa bao giờ chậm trễ. Tuy nhiên, theo điều tra của Báo NLĐ, ngay trong ngày xảy ra tai nạn, vì không được thanh toán tiền lương đúng như cam kết (có CN 2 tháng chưa nhận lương), nên một tốp CN đã bỏ lên Bình Phước tìm việc khác. Ngoài ra, còn có một tốp CN không vào công trường mà chỉ ngồi bên ngoài nên đã may mắn thoát chết.
Nói về chất lượng thi công một số hạng mục trong hợp đồng, ông Vị giãi bày cho đến khi sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra, công việc thi công của Vĩnh Thịnh luôn đạt tiến độ ra, thậm chí còn vượt tiến độ trong thi công đúc hẫng cân bằng ở trụ tháp Bắc (!?).
Hỗ trợ nhưng bắt ký biên bản!
Theo báo cáo của Công ty Vĩnh Thịnh, trong tổng số 100 CN của công ty tham gia các hạng mục tại hiện trường xảy ra tai nạn, đã có 28 người chết, 38 người bị thương và 1 người còn bị vùi trong đống đổ nát. Đối với những CN thiệt mạng, Vĩnh Thịnh đã hỗ trợ 35 triệu đồng/người. Riêng về trường hợp bị thương đang nằm điều trị tại bệnh viện, phía Vĩnh Thịnh hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng/người.
Việc hỗ trợ gia đình các nạn nhân là cần thiết để góp phần xoa dịu nỗi đau thương, mất mát. Song, khi tiếp xúc với phóng viên Báo NLĐ vào sáng 3-10, một số gia đình các CN tử vong tỏ ra bức xúc trước việc phía Vĩnh Thịnh bắt buộc họ phải ký biên bản nhận tiền. Bà Đoàn Thị Bảy, mẹ nạn nhân Nguyễn Văn Đông (ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh - Vĩnh Long), cho biết sau khi xảy ra tai nạn, đại diện Công ty Vĩnh Thịnh có đến hai lần để gửi tiền hỗ trợ tổng cộng 35 triệu đồng (lần đầu 20 triệu đồng, lần sau 15 triệu đồng), nhưng yêu cầu gia đình ký vào biên bản. Nội dung biên bản thế nào thì bà Bảy nói do trong lúc lo mai táng cho con nên gia đình ký đại, không để ý trong đó viết gì.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Tiến (vợ CN Nguyễn Văn Hòa, cùng ấp với CN Đông) cũng cho biết phía Vĩnh Thịnh có đến hỗ trợ bằng số tiền với gia đình bà Bảy nhưng bắt buộc phải ký vào tờ biên bản gì đó, rồi nộp hết lại cho phía công ty.
Ký hợp đồng ngắn hạn vì... lao động luôn thay đổi Ông Vị cho biết Công ty Vĩnh Thịnh có ký hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên, vì lực lượng lao động tại địa phương tham gia công trường luôn thay đổi và không ổn định, nên việc quản lý của công ty gặp rất nhiều khó khăn (!?). Vì thế, hầu hết đều được Vĩnh Thịnh ký hợp đồng ngắn hạn và chỉ mua bảo hiểm tai nạn theo từng giai đoạn. Trong sự cố vừa qua, “không may” cho công ty khi chỉ có 8 CN có tên trong danh sách bảo hiểm tai nạn đợt 1 của Bảo Việt theo hợp đồng ký ngày 17-9. Vĩnh Thịnh đang cập nhật danh sách CN mua bảo hiểm tai nạn đợt 2 thì sự cố xảy ra (!?). |