Vú sữa Lò Rèn đang chết dần
Thối rễ, khô cành, rụng lá, chết nhánh, chết cây... là những căn bệnh đang hoành hành các khu vườn chuyên canh
Chợ trái cây Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đang vào mùa vú sữa Lò Rèn. So với mọi năm, thời điểm này, giá thu mua vú sữa khá cao, từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/chục nhưng nhà vườn không vui. Hỏi thăm, nhiều người than thở: “Vườn cây đang chết dần chết mòn mà chưa có thuốc trị, vui sao nổi?”.Bị ép “sinh nở” quá nhiều
Nghe chúng tôi muốn vào các khu vườn chuyên canh vú sữa Lò Rèn tìm hiểu thực hư, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Tiền Giang Lê Văn Ri (Ba Ri, cũng là một chủ vườn vú sữa ở Vĩnh Kim) sốt sắng dẫn đường. Vừa luồn lách trong những vườn vú sữa mát rượi, ông Ba Ri vừa thông báo: Tiền Giang có khoảng hơn 2.200 ha đất chuyên canh vú sữa Lò Rèn, tập trung nhiều nhất ở 13 xã thuộc huyện Châu Thành, năng suất trái đạt khoảng hơn 20.000 tấn/năm. Hiện tượng cây bị thối rễ, khô cành, chết nhánh rồi chết luôn xảy ra từ năm 2001 đến nay, năm sau nhiều hơn năm trước; cây từ 20 năm tuổi trở lên chết đã đành, cây dưới 20 năm tuổi cũng “không thoát”. Theo khảo sát của Hội Làm vườn, hiện nay diện tích cây trên 20 năm tuổi bị chết khoảng 65 ha (tính bình quân 1 ha trồng được 150 cây), cây dưới 20 năm tuổi bị bệnh chết khoảng 26 ha.
Chúng tôi ghé vào vườn vú sữa rộng 5.000 m2 đang thu hoạch trái của ông Nguyễn Văn Chói ở ấp Vĩnh Thới, xã Vĩnh Kim. Những cây vú sữa cổ thụ cao vút, cành lá dưới thấp vẫn xanh um, trái sai oằn nhưng trên ngọn cây nào cũng có rất nhiều cành khô trụi lá. Ông Chói lật những mô đất dưới gốc cây vú sữa lên, chỉ cho chúng tôi xem những chùm rễ non đã hư thối, khô quắt, nói: “Thấy cành bắt đầu rụng lá, khô, chết là rễ đã hư, cây hấp thụ dinh dưỡng kém. Sau khi cành lá, thân bị chết thì trái nhỏ lại, khi chín bị héo, không bán cho ai được”.
Trong vườn, chúng tôi thấy có nhiều thân vú sữa cổ thụ nằm lăn lóc, ông Chói nói rằng trong số 100 cây vú sữa lão niên, ông đã đốn hạ gần 50 cây. Hỏi ông Chói vì sao cây chết, ông cười buồn: “Làm sao tôi biết được, nhiều lần các nhà khoa học vào vườn tôi và các vườn khác khảo sát rồi... làm thinh, không biết đâu mà lần”. Nhưng ông Ba Ri quả quyết: “Cây vú sữa chết là do bị nhà vườn ép “sinh nở” quá sức”. Theo ông Ri, trước đây cây vú sữa mỗi năm cho một mùa trái từ tháng chạp năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Từ khi có phong trào “vú sữa mùa nghịch” bán được giá cao hơn, nhà vườn đua nhau “xử lý kỹ thuật” ép cây ra hoa, ra trái theo ý muốn và lạm dụng phân hóa học nên cây bị kiệt sức.
Nhà vườn nên bỏ “liệu pháp sốc”
Ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật (BVTV), cho biết: Cây chết do cách canh tác của nhà vườn. Ông Hòa giải thích: Từ khi có phong trào làm vú sữa mùa nghịch, cứ cuối mùa thu hoạch trái là nhà vườn đắp bờ bao xung quanh vườn cây rồi bơm nước ngập tràn lên mặt liếp khoảng 2-3 tấc, gây ngập úng kéo dài 2-3 ngày mới tháo nước ra. Việc này làm hư thối rễ non khiến cây không hút được dinh dưỡng trong đất. “Liệu pháp gây sốc” này làm cây bị kích thích ra hoa tiếp tục trong lúc trái của vụ trước vẫn chưa thu hoạch dứt điểm nên cây dễ bị suy kiệt và nhiễm bệnh.
Theo khảo sát của Phòng BVTV, nguyên nhân cây chết là do tuyến trùng làm thối rễ, nhiều loại nấm đất tấn công rễ, thân, cành lá, trái. Muốn tránh được tình trạng này, nhà vườn cần xử lý đất để diệt nấm bệnh, tuyến trùng; không bơm nước gây ngập úng, giảm lượng phân hóa học, tăng cường phân bón hữu cơ, tỉa bớt cành già cỗi để trẻ hóa cây, không phủ bùn kín mặt liếp làm rễ cây không thể hô hấp... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhà vườn không nên ham món lợi trước mắt là vú sữa mùa nghịch giá cao mà quên cái hại lâu dài là vườn cây sẽ bị suy kiệt, chết hàng loạt, thiệt hại rất nặng nề.
Thế nhưng, dù các nhà khoa học đã khuyến cáo nhà vườn không nên ép cây vú sữa Lò Rèn “sinh nở” quá sức nhưng xem ra điều này rất khó thực hiện bởi hiện nay những chủ vườn ở Châu Thành đang có xu hướng “cho thuê” vườn cây: Những người thuê vườn cây trong thời gian 3-4 năm thường tận dụng “liệu pháp sốc” để kích thích cây ra hoa, đậu trái liên tục nhằm khai thác tối đa tiềm năng của cây để thu lợi, bất chấp hậu quả lâu dài.