Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Cam Lộ, Quảng Trị: Những số phận nghiệt ngã

Cho đến 17 giờ ngày 5-8, số người chết trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tàu S1 húc vào ô tô ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ngày 4-8 đã lên đến 14 người và 10 người bị thương . Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi điện thăm hỏi và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Mấy ngày qua, tất cả các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Trị đều hướng về Cam Lộ với niềm thương cảm xót xa và chia sẻ sâu sắc, đại diện các cơ quan đến viếng từng nhà nạn nhân. Cả huyện Cam Lộ sững sờ trước những cái chết quá đột ngột của người thân, anh em, đồng chí, đồng đội của mình...

Theo UBND huyện Cam Lộ, trong số 24 người đi trên chuyến xe hôm ấy, có đến 18 người thuộc diện gia đình chính sách, trong đó hơn một nửa có hoàn cảnh khó khăn và đang ở nhà tạm bợ. Họ đang rất cần những tấm lòng nhân ái giúp gia đình họ vượt qua những khó khăn đang chồng chất trước mắt. Bạn đọc có thể giúp đỡ họ qua Phòng Công tác Xã hội Báo Người Lao Động, số 123 - 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM.
Cả thôn Cam Vũ trắng xóa khăn tang

Người dân trong hai xã Cam Hiếu và Cam Thủy không ai lê nổi bước chân ra đồng. Họ cũng chẳng muốn ra khỏi làng trong ngày đại tang này. Đau thương nhất là ở thôn Cam Vũ của xã Cam Thủy có đến 7 người bị chết trong tai nạn thảm khốc này, chưa kể 3 người bị thương nặng. Có mặt trong những giờ phút đau thương ấy, càng thấy tai nạn này thật thảm khốc. Cả thôn Cam Vũ trắng xóa khăn tang. Đau thương nhất là gia đình ông Nguyễn Đức Trọng - lão thành cách mạng, 50 năm tuổi Đảng, cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông Trọng chết trong chuyến xe định mệnh ấy, vợ ông - bà Nguyễn Thị Huệ - bị thương rất nặng, đang cấp cứu tại bệnh viện; cả cháu dâu của ông Trọng cũng chết trong tai nạn này. Do vậy gia đình ông Trọng phải tất bật lo cho 2 người chết và chăm sóc người bị thương. Gia đình cựu tù Nguyễn Trường cũng rất đau thương. Ông và con trai cùng bị thương nặng đang cấp cứu ở bệnh viện; vợ và con gái ông chết trong tai nạn này. Ở nhà bà con, hàng xóm phải lo đám tang cho vợ và con ông Trường.

Ông Nguyễn Huề, thôn trưởng Cam Vũ, nói trong nước mắt với chúng tôi: “Thảm thương lắm anh ơi, thôn phải chia thời gian cho mỗi gia đình để đưa tang, nếu không, 7 đám tang trong một làng bà con làm sao lo cho kịp”. Cũng do những người chết tập trung vào một làng nên không khí thôn Cam Vũ rất thê lương, ảm đạm.

Rất nhiều người có mặt tại đám tang của bà Nguyễn Thị Nậy mà lại thương cho chồng bà - ông Nguyễn Trường Sa - năm nay đã 82 tuổi. Do hoạt động cách mạng, ông bà cưới nhau có mấy hôm, ông phải ra miền Bắc hoạt động, bà ở nhà làm cơ sở cách mạng. Hòa bình lập lại họ được đoàn tụ nhưng lúc này ông bà đã lớn tuổi nên không thể có con. Bây giờ bà bị nạn ra đi để lại một mình ông già sớm hôm không ai chăm sóc. Nhìn ông già ngoài 80 tuổi khóc thương vợ, không ai cầm được nước mắt.

Những cuộc đời đáng thương

Trong số những người chết vì tai nạn hôm 4-8 ở Cam Lộ, bà Hồ Thị Thảo ở xã Cam Thủy có hoàn cảnh thật đáng thương. Năm nay bà Thảo 61 tuổi, là vợ liệt sĩ. Trước hôm được đi an dưỡng, gia tài duy nhất trong nhà bà chỉ còn một con gà trống. Bà quyết định mang ra chợ bán để lấy tiền mua hương thắp cho các anh hùng liệt sĩ, vì nghe đâu trong chuyến đi đoàn sẽ được đến dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn, ở đó biết đâu có hài cốt của chồng bà. Chồng bà Thảo hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hài cốt thất lạc nay vẫn chưa tìm ra. Bản thân bà Thảo cũng là một cựu tù, bị giặc bắt, tù đày, đánh đập rất dã man. Bà Thảo suốt đời ở nhà tạm, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) vừa qua, tỉnh Quảng Trị xây tặng cho bà ngôi nhà tình nghĩa. Vừa về ở nhà mới được vài hôm, chưa hưởng trọn niềm vui cuối đời thì bà đã chết. Đến lúc bà chết, trong nhà không còn một lon gạo để cúng cơm. Chị Phan Thị Huệ ở thôn Cam Vũ nói: “Khi còn sống bà Thảo tuy rất nghèo nhưng bà sống rất tình cảm, cả làng ai cũng thương bà”.

Ngoài gia đình của bà Thảo, còn gia đình của bà Nguyễn Thị Mót, 74 tuổi, có hoàn cảnh cũng hết sức éo le. Bà không có con trai, chỉ có 3 người con gái đã đi lấy chồng, bản thân bà là thương binh, hàng tháng sống bằng tiền trợ cấp. Chưa bao giờ bà được đi ra biển, hôm ấy lần đầu tiên bà đi an dưỡng ở biển Cửa Tùng, cũng là lần ra đi mà mãi mãi bà không thể trở về...

Bài và ảnh: Linh An


Ông Trần Phúc Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN:

Nguyên nhân tai nạn do tài xế ô tô vượt ẩu

Theo Ban Thanh tra giao thông đường sắt - Tổng Công ty Đường sắt VN, 7 tháng đầu năm 2003 có 154 người chết, 277 người bị thương do tai nạn đường sắt

. Phóng viên: Thưa ông, đến nay đã xác định được nguyên nhân gây ra vụ tai nạn này chưa?

- Ông Trần Phúc Tiến: Nguyên nhân của vụ tai nạn là do tài xế ô tô cố tình vượt ẩu qua đường sắt, vi phạm điểm 5 điều 38 Điều lệ đường ngang và điểm 3 điều 23 Luật Giao thông Đường bộ. Đây là đường ngang công cộng cấp 3 do ngành đường sắt quản lý, không có người gác nhưng có biển báo đầy đủ, tầm nhìn thoáng, không hạn chế. Tại lý trình này vận tốc chạy tàu tối đa cho phép là 70 km/giờ. Ngay khi nhìn thấy ô tô, lái tàu đã kéo còi báo hiệu nhưng tài xế vẫn cố tình lao qua đường ngang và bị xe lửa húc phải.

. Vậy trong vụ tai nạn này, ngành đường sắt có trách nhiệm gì?

- Đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất xảy ra đối với ngành đường sắt. Tuy nhiên, lỗi không phải do chủ quan của ngành đường sắt mà do người điều khiển ô tô không chấp hành Luật Giao thông Đường bộ và Nghị định 39/CP về an toàn đường sắt. Hiện tại, tình hình an toàn giao thông trên mạng lưới đường sắt diễn biến rất phức tạp, nhất là tại hệ thống đường ngang. Trách nhiệm của ngành đường sắt là phòng ngừa, hạn chế tai nạn, bảo đảm an toàn chạy tàu nhưng những nỗ lực này không có tác dụng đối với những trường hợp ý thức người tham gia giao thông quá kém.                                           

TÔ HÀ thực hiện