Vui buồn cụm - tuyến dân cư
Chương trình xây dựng cụm – tuyến dân cư vượt lũ ở các tỉnh ĐBSCL bước đầu đã góp phần ổn định nơi ở cho nhiều dân nghèo vùng ngập lũ, vùng sạt lở. Dù vậy vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ
Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1548/QĐ-TTg ngày 5-12-2001 về việc đầu tư xây dựng cụm - tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL. Chương trình chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2001-2005, tổng kết báo cáo vào năm 2008; giai đoạn 2 từ 2009 - 2012. Hiện tại, giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, dân đã vào ở.
Một khu định cư mới trong chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ ở ấp 2,
thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: L.Phúc
Không còn lo cái ăn, chỗ ở
Ở hầu hết các địa phương được bố trí cụm – tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1, chương trình tạo ra được các khu dân cư hoàn chỉnh, khang trang.
Bà Đinh Thị Kim Châu, 61 tuổi, ở cụm dân cư vượt lũ ấp 2, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, phấn khởi: “Nhà tôi hồi trước sống nhờ trên đất người ta ở khu vực bến phà thị trấn Long Bình. Khu vực này sạt lở hoài nên mấy mẹ con tôi cứ sống trong lo sợ. Ba năm trước, gia đình tôi được di dời vào đây rồi được vay 7 triệu đồng cất căn nhà. Có nằm mơ mẹ con tôi cũng không dám nghĩ mình có được ngày này bởi gia đình tôi chỉ làm mướn sống qua ngày”.
Tỉnh Hậu Giang có 5 cụm - tuyến dân cư vượt lũ tập trung đã hoàn thành giai đoạn 1 là Tân Hòa, Trường Long Tây, Nhơn Nghĩa A (Châu Thành A), thị trấn Ngã Sáu, Phú Hữu A (Châu Thành) với tổng số 1.152 căn nhà. Nhiều hộ gia đình vào khu dân cư vượt lũ đã ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Dương Văn Của trước đây ở vùng ngập lũ nên mùa nước nổi phải đánh vật với căn chòi rách nát. Khi khu dân cư vượt lũ Tân Hòa hoàn thành, gia đình ông xin vào ở.
Hôm chúng tôi đến thăm, bà Trần Thị Ý, vợ ông Của, cho biết bây giờ vẫn chưa giàu có gì nhưng có chỗ ở ổn định là tốt rồi. Ngoài việc thuê đất làm lúa, thời gian còn lại, hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Đến mùa lũ thì giăng câu kiếm cá tạp về nuôi cá lóc nên chẳng còn phải chịu cảnh cực khổ lo cái ăn, cái ở như trước.
Khó khăn sinh hoạt, việc làm
Tuy hầu hết người dân ở các cụm - tuyến dân cư vượt lũ rất phấn khởi với nơi định cư mới nhưng lại nhanh chóng gặp phải các khó khăn phát sinh do đa phần không có ruộng đất, không việc làm và thiếu vốn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Kiều Nga vào ở khu dân cư vượt lũ Tân Hòa được 5 năm. Trước đây bà đi bán dạo trái cây nhưng bị ế ẩm hết vốn, cuộc sống trông chờ vào tiền làm mướn của chồng nhưng thất thường.
Chuyện học hành của học sinh mới vào khu dân cư vượt lũ cũng nhiều khó khăn. Em Dương Văn Ngoãn, 14 tuổi nhưng mới học hết lớp 3 vì trước đây gia đình ở sâu trong đồng không có điều kiện đi học, khi ra nơi ở mới thì đã lớn tuổi học không kịp bạn bè. Chị của em, tên Loan, đã 16 tuổi cũng mới qua lớp 6, học trễ mắc cỡ với bạn bè nên nay xin nghỉ để đi làm mướn.
Chị Trần Thị Trang ở ấp 4B, xã Tân Hòa đã 23 tuổi nhưng chẳng biết chữ nào, gia đình có tới mấy anh em muốn xin làm công nhân cũng bó tay vì không biết chữ. Thu nhập của chị Trang chỉ trông chờ vào cắt lúa, làm cỏ, giặm lúa mướn.
Không ít cụm - tuyến dân cư vượt lũ hiện khá nhếch nhác vì chưa có đường bê tông nội bộ; hầu hết thiếu điện sử dụng và ô nhiễm môi trường từ rác và nước thải sinh hoạt. Ông Trần Thanh Hồng, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư – xây dựng huyện An Phú, thừa nhận khi thiết kế xây dựng cụm – tuyến dân cư đã không tính tới chuyện xử lý rác và nước thải.
Nhu cầu cao, tiến độ chậm
|