Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Vùng tăng trưởng 15%, cả nước sẽ đạt 8%

PHÁT TRIỂN.- "Cơ cấu kinh tế trong vùng tuy đã có sự chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ nhưng chưa tạo ra tiền đề để tăng tốc và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế”. Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định như vậy tại hội nghị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) tổ chức tại TPHCM trong hai ngày 21, 22-6.

Lãng phí nhiều nguồn vốn đầu tư, nhân lực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2001 – 2003 kinh tế toàn vùng tăng trưởng khoảng 8,8%, trong khi tăng trưởng bình quân cả nước là 7%.

Hàng năm vùng KTTĐPN thu hút trên 42% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước, song đầu tư cho giáo dục, đào tạo chiếm tỉ lệ thấp hơn so với cả nước. Do vậy, trong số lao động đang làm việc trong khu vực mới có 33% được đào tạo nghề, dẫn tới tình trạng thiếu lao động kỹ thuật, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Các địa phương mạnh ai nấy đầu tư, dẫn đến phát triển thiếu cân đối, gây chồng chéo. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng: Tính pháp chế của quy hoạch chưa rõ nên có quy hoạch nhưng không làm theo, thậm chí có hiện tượng lợi dụng quy hoạch để kiếm lợi riêng. Do đầu tư tràn lan nên trong thời gian qua đã lãng phí nhiều nguồn vốn đầu tư, nhân lực.

GDP cao hơn 3 lần bình quân chung cả nước

Vùng KTTĐPN bao gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích 1.266 km2, dân số khoảng 9,3 triệu người, chiếm 11,6% dân số cả nước, nhưng tổng GDP theo giá hiện hành của năm 2002 đạt 188.100 tỉ đồng, bình quân đầu người 20,2 triệu đồng, cao hơn 3 lần so với bình quân cả nước. Thu ngân sách Nhà nước chiếm 46,6% cả nước, tỉ trọng thu thuế trên GDP chiếm gần 40%.

Đ.Dương

Tăng sức cạnh tranh bằng hàm lượng chất xám và công nghệ

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương bàn biện pháp tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng theo hướng hiện đại hóa, gắn với phát triển đời sống dân cư, văn hóa, giáo dục, kết hợp bảo vệ môi trường. Các ngành và địa phương cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, trên cơ sở tăng năng suất, hạ giá thành.

Tuy là một trung tâm công nghiệp lớn nhưng công nghiệp có công nghệ cao chưa phát triển, công nghiệp cơ khí, chế tạo còn nghèo nàn, lạc hậu. Tuy hàng năm kim ngạch xuất khẩu khá cao nhưng giá trị xuất khẩu ròng thấp, chỉ chiếm khoảng 30%. Trong sản phẩm công nghiệp hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ cao còn thấp. Chi phí đầu vào cao làm cho giá sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường thế giới.

Cần cử một phó thủ tướng làm “tư lệnh” vùng

Trong khi hội nhập quốc tế đã gần kề, để tăng khả năng cạnh tranh, ông Lê Thanh Hải đề nghị: Chính phủ cần cử một phó thủ tướng làm “tư lệnh” để điều phối các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế cho vùng KTTĐPN.

Phát biểu tổng kết hội nghị vào chiều 22-6, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: Vùng KTTĐPN có tầm quan trọng đặc biệt đối với cả nước. Trong năm 2003 và các năm 2004 -2005, nếu vùng KTTĐPN không đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 14% - 15% thì cả nước sẽ khó đạt mức tăng trưởng 8%. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ phát triển kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới để đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện cho DN hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.