Vùng lõm anh hùng
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhờ sự đùm bọc, chở che của người dân vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền (TPHCM) - nên không đơn vị nào bị lộ, không cán bộ nào bị bắt

Ông Nguyễn Ngọc Vân (phải), người dân vùng Bảy Hiền, vẫn còn giữ căn hầm bí mật năm xưa nuôi giấu cán bộ cách mạng
Tất cả cho cách mạng
Ông Giáo còn nhớ như in trận đánh tối 5 rạng sáng 6-5-1968. “Hôm đó, quân giải phóng xuất phát từ đường Hồ Tấn Đức (nay là Võ Thành Trang, quận Tân Bình), Quảng Hiền, Nguyễn Bá Tòng, băng qua cây xăng đường Lê Văn Duyệt rồi tiến vào nghĩa địa Pháp để đánh phi trường Tân Sơn Nhất. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều nhà dân bị cháy rụi. Dưới mặt đất, tiếng súng nổ, xe tăng gầm rú; trên trời, máy bay trực thăng quần đảo, xả súng điên cuồng vào quân giải phóng. Sau trận chiến, một tiểu đoàn quân giải phóng chưa rút kịp vì lực lượng của địch quá mạnh. Trong thời khắc nguy hiểm ấy, chính người dân vùng Bảy Hiền đã nuôi giấu và đưa họ về căn cứ an toàn” - ông Giáo kể.
Ông Đoàn Phúc (ngụ đường Võ Thành Trang) thì kể cho chúng tôi nghe chuyện cất giấu cây súng ngắn của Đội Vũ trang Tuyên truyền vùng Bảy Hiền do bà Hoàng Thị Khánh (nguyên chủ tịch LĐLĐ TPHCM) làm đội trưởng, đã sử dụng để tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng ngay đường Hồ Tấn Đức vào trung tuần tháng 7-1969. “Sau khi tên này chết, địch lùng sục ráo riết như muốn lật tung vùng Bảy Hiền để truy tìm cán bộ cách mạng. Lúc đó, tôi nhận được súng từ Đội Vũ trang Tuyên truyền vùng Bảy Hiền và cho vào chiếc máy kéo không còn sử dụng” - ông Phúc nhớ lại.
Riêng ông Nguyễn Đình Xân (ngụ đường Võ Thành Trang) vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi kể lại những ngày tháng đi vận động thợ dệt. “Hồi đó, tôi quản lý một xưởng dệt mà thợ là những người trốn lính. Khi nào nghe tin có thanh niên bị bắt quân dịch là tôi lại tìm cách đưa họ về làm thợ dệt rồi vận động ra chiến khu tham gia cách mạng” - ông Xân hào hứng.
Hy sinh cả mạng sống của mình
Chiến tranh trôi qua đã lâu nhưng ông Ngô Quang Thuận, Phó Bí thư Chi bộ B2 Phú Nhuận, Liên cánh HT59-HT159 Y4, không nén được xúc động khi nhớ về sự hy sinh của những người dân vùng Bảy Hiền. Trong chiến dịch Mậu Thân đợt II ngày 9-5-1968, 36 gia đình đã đưa con em đi làm nhiệm vụ tải thương ở mặt trận Tân Sơn Nhất. Sau khi đã đưa 18 thương binh từ Bảy Hiền về căn cứ an toàn, đoàn quay về để tiếp tục chuyển 17 thương binh thì bị giặc phục kích và bắn chết anh Đức (con một người buôn bán ve chai), còn anh Nguyễn Đức Hùng bị thương rồi bị bắt làm tù binh.
Địch càn quét quyết liệt buộc 17 thương binh còn lại phải ẩn náu tại nhà dân. Bấy giờ, cơ sở của chị Nguyễn Thị Năm (ngụ đường Lạc Long Quân ngày nay) nuôi dưỡng 5 thương binh tại hầm bí mật trong nhà. “Sau đó, chị Năm bị địch bắt và tra tấn đến chết trong nhà lao của Tổng nha cảnh sát” - giọng ông Thuận nghèn nghẹn.
Kiên cường giữa lòng địch
Năm 1972, trước khi rời căn cứ về hoạt động ở nội thành Sài Gòn, ông Phạm Phú Tâm (hiện là Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM) đã được đồng đội mách nước: “Ở Sài Gòn dang tay ra là đụng địch”. Tuy lúc đó chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói của đồng đội nhưng khi về hoạt động tại khu Bảy Hiền, ông Tâm mới thấm thía.
Ông Tâm cho biết lúc bấy giờ, khu Bảy Hiền là cửa ngõ quan trọng đi vào nội thành Sài Gòn nên địch bố trí các căn cứ quân sự dày đặc. Phía Bắc có vành đai quân sự phòng thủ bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất, kế bên là Bộ Tổng Tham mưu; phía Tây có căn cứ quân sự của sư đoàn dù trại Hoàng Hoa Thám; phía Đông Nam có hãng thầu xây dựng RMK của Mỹ, bót cảnh sát Lê Văn Duyệt, đại đội cảnh sát dã chiến và đơn vị truyền tin của lính Đại Hàn... Trong khu dân cư còn có lực lượng nhân dân tự vệ trang bị đầy đủ súng ống và ngày đêm lùng sục. Chúng bố trí nhiều trạm canh gác, dựng barie chắn tại các cổng ra vào để tạo sự biệt lập. Ngoài ra, an ninh của Tổng nha cảnh sát, biệt khu Thủ đô, bót Hòn Keo, cảnh sát Tân Bình, phi trường Tân Sơn Nhất và sư đoàn dù hoạt động dày đặc.
“Mặc dù địch ra sức khủng bố, muốn xóa trắng vùng Bảy Hiền nhưng các tổ chức cách mạng do Đảng lãnh đạo vẫn bí mật hoạt động và lớn mạnh không ngừng” - ông Tâm nhấn mạnh.
Ông Trần Trọng Tân, nguyên phó Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định, nguyên trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên phó bí thư Thành ủy TPHCM: Xứng đáng anh hùng Bị địch truy lùng từ miền Trung, bỏ xứ xa quê vào Nam lập nghiệp, người dân Bảy Hiền mong muốn có một cuộc sống bình an, lạc nghiệp trên vùng đất mới. Thế nhưng, khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng hy sinh bản thân và đánh đổi sự bình an, hạnh phúc của gia đình để chọn lấy lợi ích cách mạng, lợi ích đất nước. Lực lượng Tuyên huấn của tôi cũng như nhiều đơn vị khác tồn tại và phát triển vững mạnh, góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc ngày 30-4-1975 hoàn toàn nhờ vào sự đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng của nhân dân vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền. Chưa đơn vị nào bị lộ, không cán bộ nào bị bắt nơi đây. |
Trao huy hiệu Đảng cho 2.184 đảng viên Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã quyết định trao tặng huy hiệu Đảng cho 2.184 đảng viên. Trong đó, truy tặng huy hiệu 75 tuổi Đảng cho ông Nguyễn Thế Đoàn (Đảng bộ quận 1); trao huy hiệu 65 tuổi Đảng cho 158 đảng viên, 60 tuổi Đảng cho 31 đảng viên, 55 tuổi Đảng cho 161 đảng viên và 50, 40, 30 tuổi Đảng cho 1.833 đảng viên. Trước đó, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP đã tổ chức lễ kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ông Nguyễn Hoàng Năng, Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP, nhấn mạnh: “Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP tiếp tục ra sức thi đua giành nhiều thắng lợi mới, quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TP”. |