Vùng ven ngập nặng!
Hầu hết các tuyến đường ở hai quận mới thành lập là Bình Tân và Tân Phú đều không có hệ thống thoát nướcTrong khi ngành giao thông công chánh đang loay hoay chống ngập ở khu vực nội thành, thì khu vực vùng ven lại phát sinh những điểm ngập nặng trên diện rộng! Tình trạng này đã gây khốn khổ cho người dân khi mùa mưa đến.
Không mưa cũng ngập...
Chỉ mấy cơn mưa đầu mùa nhưng hầu hết các tuyến giao thông huyết mạch ở quận Bình Tân đều chìm trong biển nước. Có mặt tại khu vực Ngã tư Bốn Xã ngày 19-5, chúng tôi phải lội bì bõm trên Hương lộ 2. Các con đường khác như Phan Anh, Lê Văn Quới, Bình Long ngập sâu gần 1 m. Xe máy bị tắt máy liên tục, nhiều tài xế xe tải nhỏ đành nhảy xuống... đẩy xe! Theo nhiều người dân ở đây, 1-2 năm nay khu vực này mới trở thành điểm ngập nặng như vậy. Sau mỗi cơn mưa, ngập nước làm ùn tắc giao thông khu vực nghiêm trọng. Trong khi đây lại là hướng lưu thông huyết mạch nối giữa các quận 6, Bình Tân, Tân Phú.
Ông Nguyễn Hữu Sanh, ở đường Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, bức xúc: “Năm 2001, sau cơn mưa chừng 3-4 tiếng là nước rút ngay, nay cả ngày sau nước vẫn lềnh bềnh!”. Nghiêm trọng hơn, ở tuyến Tỉnh lộ 10, giáp ranh giữa quận 6, huyện Bình Chánh và quận Bình Tân ngập cả những lúc không mưa! “Mưa đến là nước chảy lênh láng. Nước mưa “nổi” qua cả nhà vệ sinh nên... nhiều phen phải tắm mưa trong nhà!”, chị Quách Tố Liên ở phường Tân Tạo than vãn. Nước thải không thoát được cộng với hàng trăm ổ gà, ổ voi trên mặt đường đã làm nhiều người phải ngán ngẩm.
Ngập đến đâu, nâng nhà đến đó!
Chúng tôi đến Ngã tư Bốn Xã, trong lúc gia đình ông Huỳnh Văn Du ở số 1/1 Hương lộ 2, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, đang đổ đất nâng nền nhà. Ông Du nói, không biết đây là lần thứ mấy nhà ông phải nâng vì ngập nước, ông chỉ nhớ nền nhà đã nâng lên 2 m. Tuy nhiên, theo ông Du “2 m cũng chưa phải là cao!”. Thấy chúng tôi có vẻ không tin, ông chỉ tay sang nhà chị Liên ở phía đối diện nói: “Chỉ trong vòng 5 năm nhưng nền nhà chị ấy đã được nâng thêm 3 m”. Theo nhiều người dân sống lâu năm ở đây, 10 năm trước, khu vực này toàn là ao nhưng dần dần bị san lấp xây dựng nên nước mưa cũng hết chỗ “trú ngụ”! UBND quận Bình Tân đã nhiều lần “cứu vãn” bằng cách đổ đá nâng đường nhưng... vì không có hệ thống thoát nước nên tình trạng ngập ở các khu vực này là một thực tế không thể tránh khỏi. Bức xúc trước tình trạng “sống chung với ngập”, nhiều hộ dân ở những tuyến đường như Lê Đình Bảo, Đỗ Bí, Lê Niệm... thuộc phường Phú Thạnh, quận Tân Phú đã tự nâng đường, lắp đặt hố ga và tạo những con mương lộ thiên để thoát nước tạm cho khu dân cư. Thế nhưng, do hệ thống chỉ được lắp đặt tạm thời, chắp vá và đấu nối vô tội vạ nên ngập vẫn hoàn ngập.
Chưa có lời giải!
Thực tế hiện nay, ngoại trừ các tuyến đường hay khu dân cư ở khu vực nội thành được lắp đặt hệ thống thoát nước hoàn chỉnh thì hầu hết các khu vực vùng ven lại chưa có hệ thống thoát nước hay có nhưng chỉ chắp vá. Ghi nhận tại khu vực hai quận mới thành lập như Bình Tân, Tân Phú, chúng tôi thấy hầu hết các tuyến đường ở đây đều không có hệ thống thoát nước. Đó chính là nguyên nhân làm cho tình trạng ngập ở đây ngày càng phổ biến.
Để giải quyết phần nào tình trạng ngập nặng ở khu vực Ngã tư Bốn Xã, năm 2003 Công ty Thoát nước đô thị đã cho lắp đặt mương hở, dẫn nước mưa chạy ra tuyến kênh Nước Đen. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây hiệu quả mang lại không đáng là bao vì mương hở không tải nổi lượng nước mưa từ khu vực Tân Bình đổ về. Ông Nguyễn Trọng Luyện, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị, cho biết: Hiện nay đa số hệ thống thoát nước ở các khu vực vùng ven đều thiếu và yếu. Nhiều nơi xảy ra tình trạng người dân làm hệ thống tự phát hay chính quyền địa phương làm nhưng không đạt quy chuẩn nên việc giải quyết thoát nước không hiệu quả. Thậm chí do đấu nối không đúng theo lưu vực thoát nước đã gây ra tắc nghẽn dòng chảy.
Thực tế thời gian qua tình trạng ngập ở khu vực vùng ven đã được ngành giao thông công chánh ghi nhận nhưng vì chưa kiểm soát được nên việc chống ngập coi như còn bỏ ngỏ!