Xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ: Một vùng ngập mặn chuyển mình
Sau 3 năm, tỉ lệ trẻ em bỏ học đã giảm từ 30% xuống còn 4%. Cái oi bức của những ngày nắng gắt tháng 4 như dịu hẳn lại khi trước mặt chúng tôi là những đầm tôm mênh mông trải dài theo các con đường cấp phối sỏi đỏ thẳng tắp dọc khắp địa bàn xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Trở lại vùng ngập mặn này, sau 3 năm, chúng tôi nhận ra con người và cảnh sắc nơi đây đều đã khác xưa.
Gặp lại “người xưa”
An Thới Đông năm 2003 và năm 2000 . Trên 90% hộ dân đã được xài nước máy (100% hộ phải dùng nước mưa, nước sông vào năm 2000). . Gần 60% hộ có điện kế (trên 50% hộ chưa có điện năm 2000). . Trên 50% hộ đã có nhà mái tôn, mái ngói kiên cố (86% nhà mái lá, vách lá, chòi tạm năm 2000). . Gần 50% hộ dân đã có phương tiện nghe nhìn (30% hộ dân có phương tiện nghe nhìn năm 2000).
“Người xưa” đầu tiên mà chúng tôi gặp lại là ông Lê Văn Sáu, ngụ ấp Doi Lầu. Cách đây 3 năm, ông từng làm chúng tôi nao lòng khi kể lại cảnh nghèo khó không kiếm được tiền mua chiếc xe đạp cho con đi học. Thay đổi đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cái chòi dột nát, sắp sập trước kia nay đã trở thành căn nhà vách ván lợp tôn còn mới tinh. Gặp lại chúng tôi, ông Sáu mừng rỡ, khoe ngay... chiếc xe gắn máy cũng mới tinh dựng trước cổng. “Nó thay cho chiếc xe đạp được tặng trước đây rồi đó mấy chú”. Ông Sáu nhớ lại: “Tôi được xã cho vay vốn làm ăn. Hết nuôi cá, đến nuôi tôm..., xoay xở đủ cách mới có được cơ ngơi hôm nay”. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất mà chúng tôi nhận ra từ giọng nói không giấu được niềm tự hào của ông là: “Mấy đứa con ở nhà không bỏ học. Đứa lớn đã lên cấp 3, đứa còn lại cũng chuẩn bị hết lớp 8. Nhất định tôi cho tụi nhỏ học lên tới đại học mới thôi”.
Nhịn đói, lội bộ: Chuyện quá khứ
Dòng tít lớn nhất trong bài viết về An Thới Đông cách đây 3 năm của chúng tôi là “30% trẻ em có nguy cơ bỏ học”. Vậy mà hiện nay, tỉ lệ này chỉ còn khoảng 4%. Tỉ lệ học sinh tiếp tục theo học đại học, cao đẳng... cũng tăng đáng kể. Dọc theo những con đường thuộc các ấp An Hòa, Rạch Lá... vào buổi trưa, chúng tôi thấy hàng chục học sinh đang đạp xe í ới gọi nhau tới trường. Toàn xã đã có 9 trường học và phân hiệu cấp 2, 1, mẫu giáo. Ông Hồ Minh Đức, Chủ tịch UBND xã An Thới Đông, nói: “Từ nguồn vốn 5 tỉ đồng của TP và các cơ quan, ban ngành, mạnh thường quân, chúng tôi đã chống dột cho gần 100 căn nhà, xây mới trung tâm y tế xã và 2 cầu đò, nâng cấp 4 tuyến đường, xây nhà xí tự hoại, gắn điện kế cho gần 200 hộ... Trong đó, lĩnh vực giáo dục đã được quan tâm hàng đầu như: gần 250 xe đạp, 600 suất học bổng đã được trao cho học sinh nghèo, 2 xuồng đưa đón miễn phí học sinh qua kênh Bà Tổng, 2 phân hiệu trường mẫu giáo và cấp 1 đã được xây mới...”. Gặp lại chúng tôi, những em Thanh Minh, Ngọc Hà, Thu Ngân..., học sinh Trường THCS An Thới Đông ríu rít kể rằng từ ngày được các cô, chú trên TP cho xe đạp, các em không còn phải lội bộ đến trường. Theo lời các em, chuyện nhịn đói, lội bộ mười mấy cây số đến trường đã trở thành quá khứ...
Sẽ “thoát khỏi” danh sách xã nghèo
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm lại những hộ nghèo, anh Đinh Văn Thắng, cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo (XĐGN) xã, cho biết toàn xã hiện chỉ còn 8,6% hộ nghèo trên tổng số 2.400 hộ (so với thời điểm năm 2000, tỉ lệ này là 54%). Những hộ nghèo nhất tại địa phương cũng đã nâng thu nhập ở mức từ 200.000 đồng/tháng trở lên (hộ có từ 4, 5 nhân khẩu). Một số ấp có nhiều hộ nghèo nhất trước đây như Doi Lầu, An Hòa... thì nay lại là những nơi có nhiều hộ làm ăn khấm khá. Nổi bật là trường hợp anh Võ Thành Huynh, ở ấp An Hòa, một hộ vừa mới tình nguyện ra khỏi chương trình XĐGN. Tài sản của anh gồm 10 con heo nái, một cửa hàng tạp hóa, thu nhập gần 30 triệu đồng/năm... 6 đứa con đều được học hành và có việc làm ổn định.
Chủ tịch UBND xã, ông Hồ Minh Đức trăn trở: “Cuối năm 2003, chúng tôi quyết tâm hạ tỉ lệ nghèo của xã xuống còn dưới 3% để “thoát khỏi” danh sách các phường, xã nghèo. Hiện xã vẫn còn nhiều bức xúc về cơ sở hạ tầng cần được giải quyết cấp bách như ở ấp Rạch Lá còn nhiều hộ nghèo vẫn chưa có điện, nhiều hộ khác thì không có tiền lắp điện kế dù nằm trong khu vực đã có lưới điện. Đặc biệt, cây cầu bắc qua kênh Bà Tổng vẫn chưa được xây dựng, gặp mưa, bão thì nguy cơ lật, chìm xuồng rất dễ xảy ra...”.
Theo lời mời, chúng tôi trở lại nhà ông Sáu vào buổi tối. Trải chiếu ra cạnh đìa tôm, ông mời chúng tôi “lai rai” với món tôm nướng vàng rụm. Cao hứng, ông Sáu khề khà ngâm: “Tới đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá rùng cũng ghê...”. Rồi ông giải thích: “Ca dao của dân Cần Giờ đó mấy chú. Nhưng bây giờ nơi đây đã là mảnh đất tình người rồi, không còn là xứ sở lạ lùng nữa đâu”.