Xe buýt TPHCM: Tuyến thừa, tuyến thiếu!

VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG.- Nếu như xe buýt ở Hà Nội khách nhiều, xe thiếu, thì xe buýt ở TPHCM lại gặp một nghịch lý khác, đó là tuyến thừa, tuyến thiếu! Trên tổng thể, xe buýt ở TP vẫn chưa đáp ứng nhu cầu còn phân bố luồng tuyến không hợp lý.

Hành khách bị nhét như cá mòi !

Khoảng 16 giờ ngày 15-3, chúng tôi có mặt tại trạm xe buýt trên đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh (gần giao lộ Phan Đăng Lưu) để đón xe về Công viên Phần mềm Quang Trung (quận 12). Tại đây đã có 12 hành khách khác đang đứng, ngồi chờ xe với vẻ sốt ruột. Gần 40 phút sau, chiếc xe buýt loại 50 chỗ mới xuất hiện. Mặc dù khách đã đứng chật trên xe, nhưng lơ xe vẫn nhanh tay đẩy chúng tôi lên. Sau chúng tôi, lơ xe tiếp tục nhét thêm 15 khách dọc đường, khiến hai thanh niên vừa mới lên phải chịu cảnh chân trong chân ngoài. Chịu hết nổi, một phụ nữ đứng giữa xe la lớn: “Bộ tưởng chúng tôi là cá mòi hả, nhét gì mà dữ vậy, cho xuống đi!”.

Tại các tuyến Sài Gòn - Thới An (quận 12), Khu Chế xuất Linh Trung - Bến Thành... khách cũng bị “hành” kiểu tương tự. Đặc biệt, những chiếc xe buýt chở sinh viên chạy tuyến Lê Hồng Phong - Thủ Đức, Bến xe quận 8 - Thủ Đức, tình trạng nhồi nhét khách càng trầm trọng hơn vào những giờ cao điểm.

Một mình... một xe

Có mặt trên chuyến xe buýt mang biển số 53U-1231 lúc 16 giờ 20 phút cùng ngày chạy suốt tuyến Đầm Sen - Bàu Cát, chúng tôi chỉ đếm được vẻn vẹn có 10 khách. Đó là kể luôn số khách lên xuống xe ở các trạm. Một hành khách ngụ ở đường Tân Hương (quận Tân Bình) thường đi tuyến này cho biết: “Số khách như vậy là đông rồi, chứ có nhiều ngày, trên xe chỉ có một mình tôi mà thôi!”. Quan sát trên xe, chúng tôi thấy những băng ghế sau đóng nhiều lớp bụi. Có lẽ vì quá vắng khách nên bác tài chỉ thu tiền (1.000 đồng/vé) mà chẳng buồn xé vé cho khách.

Cùng chung số phận với tuyến trên là tuyến Văn Thánh - Bến xe Chợ Lớn, vành đai Đông - Tây, bình quân cũng chỉ đạt 4 - 5 hành khách/chuyến. Đây là những tuyến mới nhưng do thiếu tuyên truyền, nên nhiều người dân chẳng biết xe buýt chạy đi đâu, dừng ở đâu mà đón.

Tăng chuyến hoặc chuyển đổi loại xe

Khi chúng tôi nêu sự nghịch lý nói trên, một số cán bộ ngành chuyên môn cho rằng dàn trải các tuyến ra đều khắp là thực hiện chủ trương tập cho người dân có thói quen đi xe buýt, bớt đi xe gắn máy để giải quyết ùn tắc giao thông. Chính vì vậy mà toàn TP hiện đã có 45 tuyến xe buýt điểm với gần 400 xe hoạt động,  thu hút trên 120.000 hành khách/ngày. Xem ra cách lý giải này chưa đủ sức thuyết phục vì nếu luồng tuyến không được quy hoạch lại cho rõ ràng thì tình trạng xe quá tải sẽ tiếp tục “song hành” với... xe ế ẩm.

Ông Lê Trung Tính, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, cho biết trong năm 2003, trung tâm sẽ tập trung củng cố nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt hiện có để phát huy hiệu quả cao nhất, vì lượng người dân đi xe buýt đang ngày càng tăng. Theo đó, những tuyến quá tải, trung tâm sẽ khảo sát để thực hiện việc tăng chuyến hoặc chuyển đổi loại xe tùy theo tình hình thực tế. Đối với những tuyến xe buýt quá vắng khách, trung tâm sẽ kiến nghị Sở Giao thông Công chánh TP xem xét đổi lộ trình hoặc tạm ngưng hoạt động để giảm chi phí bù lỗ.

TP đã và đang trợ giá cho xe buýt điểm; người dân TP cũng bắt đầu có thói quen đi xe buýt. Ngành chức năng nên nắm bắt cơ hội “ngàn vàng” này để tiếp tục đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Nhưng cũng không nên làm lãng phí ngân sách của nhà nước vì cách tổ chức, điều hành chưa hợp lý như hiện nay.