Ý nghĩa một cây cầu

Đó là cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu vừa mới khởi công hôm 25-9. Sau 50 tháng thi công, đến năm 2008 đưa vào sử dụng, cầu Cần Thơ sẽ là cây cầu dây văng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Xây xong cầu Cần Thơ sẽ thông suốt toàn tuyến đường bộ Bắc Nam nối hai đầu của Tổ quốc từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Cùng với cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ một khi hoàn thành sẽ thêm sức tác động thúc đẩy kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long - một vùng kinh tế trù phú ở phía Nam phát triển hơn nữa, làm thay đổi bộ mặt cả một vùng nông thôn rộng lớn, Ý nghĩa chung về mặt kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Phan Văn Khải đề cập tại buổi lễ khởi công.

Tuy nhiên, giá trị kinh tế cụ thể mà cầu Cần Thơ mang lại cũng phải được đề cập đến. Điều mà ai cũng thấy là một khi cầu Cần Thơ được đưa vào sử dụng không còn cảnh “qua sông lụy đò” mất thời gian chờ đợi phà, rút ngắn thời gian mỗi chuyến xe khoảng hơn 30 phút. Trong kinh doanh, làm ăn thời gian là tiền bạc. Hiện nay mỗi ngày có 3.500 lượt ô tô qua phà, mỗi xe tiết kiệm được 30 phút; vị chi mỗi ngày tiết kiệm được 1750 giờ. Tính ra tiền một con số không nhỏ.

Còn một khoản tiết kiệm không nhỏ nữa khi có cầu Cần Thơ. Theo tính toán của các nhà kinh tế, so với khi còn phải qua phà, mỗi ô tô tiết kiệm chi phí được 20.400 đồng, giảm mất mát giá trị hàng hóa 13.000 đồng. Với hai khoản này mỗi năm tiết kiệm được hơn 42 tỉ đồng.

Làm xong cầu Mỹ Thuận, đội ngũ kỹ sư, công nhân của ta học được kỹ thuật, công nghệ làm cầu của Úc. Bây giờ làm cầu Cần Thơ ta lại học được kỹ thuật, công nghệ làm cầu của Nhật Bản. Từ sự học hỏi, trưởng thành này rồi đây đội ngũ kỹ sư, công nhân chúng ta tự thiết kế, thi công những cây cầu cho chính chúng ta. Ý nghĩa biết mấy!