Yêu cầu đóng cửa nhà máy Vedan và xử ở mức cao nhất
Ngày 19-9, sẽ có kết luận cuối cùng về sai phạm của Vedan (NLĐO)- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bức xúc: “Hành động của Vedan là xảo trá, lừa đảo. Sự phá hoại có tổ chức tinh vi. Vedan đã ăn trên sự hủy hoại môi trường, cần phải xử thật nghiêm và phải đền bù thiệt hại”
Ngày 17-9, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) cùng Cục Cảnh sát môi trường (C36) – Bộ Công an đã gặp báo giới để thông báo về kết quả điều tra và hướng xử lý đối với hành vi xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào sông Thị Vải của Công ty TNHH Vedan VN (Vedan).
Ngoan cố và xảo quyệt
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên tỏ ra rất bức xúc và phẫn nộ: “Hành động phá hoại của Vedan là xảo trá, lừa đảo. Họ cam kết, rồi lừa gạt các cơ quan chức năng và xã hội để kiếm lợi nhuận. Chỉ đến khi bị ‘bắt tận tay’ sai phạm thì họ mới hết chống chế, viện lý do, sẵn sàng nộp phạt tới 15 tỷ đồng. Chứng cứ quá rõ ràng, nên đến giờ họ không thể phản đối”.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, không chỉ trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường theo luật định mà Vedan còn gian dối rất đáng lên án khi tự đăng ký chất lượng nước thải loại B (!). Không chỉ vậy, trong nhà máy còn có trại chăn nuôi lợn sai phép…
Đại tá, Cục phó C36, Lương Minh Thảo, bổ sung: dù mật phục điều tra, “bắt tận tay” và chứng minh được sự sai phạm có tính chất cố ý và tổ chức hết sức tinh vi của Vedan nhưng doanh nghiệp này và những người liên quan cũng như trực tiếp điều khiển hệ thống xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải nhất quyết không chịu ký vào biên bản sai phạm.
Theo ông Thảo, việc Vedan sai phạm nhiều năm qua là rất khó “bắt tận tay”, bởi họ rất xảo quyệt và tinh vi. Toàn bộ số người tham gia vào quá trình vận hành hệ thống nước thải của nhà máy có 8 người, trong đó có 3 người Đài Loan. Tuy nhiên, việc thực hiện các van xả chỉ có 2 người Đài Loan trực tiếp làm, các công nhân VN hoàn toàn bị bí mật thông tin. Bên cạnh đó, tất cả hiện trường của nhà máy từ các bể chứa, đường ống, van đóng, xả có số lượng rất lớn, khó có thể xác định. Các đường ống xả nước bẩn và nước sạch đặt cạnh nhau. Để che đậy hành vi, Vedan còn đặt một con thuyền nằm che khuất khu vực cửa ống xả ra sông.
![]() |
Các hệ thống bình chứa, đường ống dẫn nước thải chưa qua xử lý. |
“Có điều, tất cả những hệ thống đường ống chằng chịt, bể chứa, cửa xả được Vedan coi là đã xử lý sạch nguồn nước thải đều gần như không hoạt động. Máy bơm gỉ sét, không chạy, ống xả khô ráo, ao tù để lọc nước thải trơ đáy… Nhưng đường ống xả nước bẩn thì vấn liên tục xả ngầm dưới lòng sông, làm cả khúc sông sủi bọt trắng xóa”, ông Thảo phẫn nộ.
Đây là tội phạm kinh tế...
Theo ông Nguyên, hiện Vedan VN không chỉ đang ngày ngày hủy hoại sông Thị Vải mà hai nhà máy chế biến bột mì ở Quảng Bình, Hà Tĩnh để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tại Đồng Nai cũng đang gây ô nhiễm nghiêm trọng. “Thủ tướng rất quan tâm đến sự trốn tránh trách nhiệm trong bảo vệ môi trường cũng như sự vi phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp này và coi đây là vụ xử lý điển hình. Thủ tướng đã yêu cầu điều tra làm rõ và xử thật nghiêm để làm gương, bất kể là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.
Tiếp thu chỉ đạo, quan điểm của Bộ TN-MT là yêu cầu trước mắt nhà máy đóng cửa, dừng sản xuất để kiểm tra toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, sự đầu tư trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu sai phạm quá lớn bắt giam những người liên quan, đóng cửa vĩnh viễn, hoặc rút giấy phép đầu tư”.
“Về việc khởi tố hình sự hay không, ngày 19-9, đoàn thanh tra sẽ có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện sai phạm có hệ thống, tổ chức tinh vi và gian trá của Vedan trong hơn 10 năm qua là quá đủ căn cứ để xử lý hình sự”, ông Nguyên nhấn mạnh.
![]() |
Đại tá Lương Minh Thảo bức xúc trước hành vi gian lận của Vedan |
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng: “Sự sai phạm của Vedan thể hiện là tội phạm kinh tế khi thay vì đầu tư, sử dụng công nghệ cao để bảo về môi trường thì họ lại làm ngược lại. Trung bình mỗi tháng Vedan đã giết sông Thị Vải bởi 45.000 m3 nước bẩn”.
Tiếp tục xử lý các doanh nghiệp khác Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Vedan là doanh nghiệp điển hình trong việc hủy hoại sông Thị Vải cần xử lý nghiêm khắc, nhưng trên lưu vực sông này cũng còn rất nhiều cơ sở sản xuất khác sai phạm. Kết thúc đợt thanh tra này, đoàn kiểm tra cũng sẽ xử lý 5-7 doanh nghiệp khác. Hiện đoàn thanh tra đã phát hiện thêm hai doanh nghiệp khác ở khu vực này là Nhà máy giấy Mỹ Xuân có hành vi sai phạm giống như Vedan và khối lượng nước bẩn đầu độc sông Thị Vải cũng rất lớn. Tiếp đó là doanh nghiệp Tiến Đạt cũng có hành vi lừa gạt trong việc xử lý nước thải. Ông Nguyên lo ngại và dự báo đến năm 2050, sông Thị Vải sẽ chết hẳn. Chỉ từ năm 2007 đến nay, số km bị ô nhiễm và hủy hoại nghiêm trọng đã tăng lên từ 10 thành 15 km (tổng số chiều dài sông 76 km). Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc xả thải chưa qua xử lý của các nhà máy, các KCN. Hiện, 80% các KCN đều chưa hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra các con sông, kênh, mương. |
Bồi thường thiệt hại cho môi trường và người dân
Theo ông Nguyên, cứ 1% tăng trưởng của Vedan thì chất lượng môi trường sông Thị Vải bị hủy hoại gấp 3 lần. Ông Nguyễn nhấn mạnh nhiều lần: “Vedan đang ăn cắp lợi nhuận trên môi trường VN và lợi nhuận chính là từ thủ đoạn này. Giá sản phẩm của Vedan đang bán thấp vì họ đã bỏ qua trách nhiệm gìn giữ môi trường sống. Không thể chấp nhận được hành vi này, dù họ có đóng thuế, có tạo việc làm cho người lao động cũng không thể bỏ qua”. Theo ông Hà, hiện chưa thể tính toán cụ thể thiệt hại về môi trường, kinh tế do Vedan gây ra nhưng thiệt hại cho sông Thị Vải là cả ngàn tỷ đồng. Bên cạnh xử lý hình sự các đối tượng liên quan thì vấn đề hết sức quan trọng là phải bồi thường thiệt hại.
Bộ TN-MT đã mời các chuyên gia kinh tế môi trường để xác định rõ sự phá hoại của Vedan cũng như các doanh nghiệp khác để đền bù thiệt hại. Về bồi thường thiệt hại gây ra cho người dân trên lưu vực sông Thị Vải, bộ cũng sẽ đề nghị Bộ Y tế xác định rõ để yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm. Đối với việc nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu sông, bộ cũng sẽ đề nghị Bộ NN và PTNT tính toán để doanh nghiệp bồi hoàn. “Người dân có quyền khiếu kiện Vedan bồi hoàn các thiệt hại do hành vi hủy hoại môi trường”, ông Nguyên cho hay.
Lỗi do địa phương?
Trả lời câu hỏi của báo giới về trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ địa phương đến Cục Bảo vệ môi trường và Bộ TN-MT khi để sai phạm của Vedan kéo dài hơn 10 năm, ông Nguyên cũng cũng thừa nhận, hiện năng lực kiểm tra, giám sát môi trường của VN quá yếu - 3 người/1 triệu dân, trong khi các nước chỉ từ hàng trăm đến cả ngàn người. Bên cạnh đó, công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm, kiến thức cũng yếu nên doanh nghiệp đã dễ dàng qua mặt. Không chỉ vậy, quy định thanh tra và xử phạt hành chính vi phạm quy định môi trường cũng gặp nhiều cản trở và chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Với quy định thanh tra phải báo trước một tuần, trong thời gian ngắn nhất và những giới hạn trong điều tra thì không thể phát hiện những hành vi vi phạm, đặc biệt là kiểu dối trá tinh vi của Vedan.
Điều khó khăn theo bày tỏ của ông Nguyên là việc đấu tranh bảo vệ môi trường gặp rất nhiều áp lực và cản trở từ chính quyền các địa phương vì sẽ gây khó khăn cho thu hút đầu tư. “Thậm chí, các địa phương còn yêu cầu giảm bớt các chỉ tiêu môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đi ngược với chủ trương chung và sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt khi môi trường bị phá hủy và thiệt hại về kinh tế để phục hồi là vô cùng khổng lồ”, ông Nguyên lên án.