Chưa rõ bệnh nhân Covid-19 số 867 bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội

(NLĐO)- PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Quốc gia, cho rằng phải đặt câu hỏi BN 867 lây ở đâu, hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm ở Hải Dương hay ở Hà Nội nên phải đặt vấn đề và điều tra, tìm ra các yếu tố lây nhiễm.

Chiều 12-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hà Nội họp dưới sự chỉ đạo của ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Chưa rõ bệnh nhân Covid-19 số 867 bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết giai đoạn từ 25-7 đến nay ghi nhận 7 ca mắc tại cộng đồng trong tổng 29 ca mắc (22 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh). Trong ngày 11-8, Hà Nội phát hiện một ca mắc mới là người dân của tỉnh Hải Dương đến khám bệnh tại Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn. Trường hợp này chưa rõ nguồn lây, hiện 11 ca F1 đã có xét nghiệm PCR là âm tính.

Ông Hạnh cho biết mặc dù số ca mắc Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng có xu hướng giảm trong 3 ngày trở lại đây, song diễn biến dịch vẫn rất phức tạp với những ca nhiễm mới là đối tượng F1. Tại Hà Nội, trong số 7 ca mắc ngoài cộng đồng có một số trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người như BN số 447, 714, 751 và đã có 1 trường hợp F1 trở thành F0 (BN số 812 là F1 của BN số 447). 

Đặc biệt, ngày 11-8, phát hiện 1 ca mắc Covid-19 mới là người tỉnh Hải Dương đến khám tại BV Thanh Nhàn chưa xác định được yếu tố dịch tễ và nguồn lây (F0). Mặt khác, theo thống kê, có khoảng 50% các trường hợp mắc không có triệu chứng lâm sàng, những yếu tố trên làm tăng nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng và có thể xuất hiện những ca nhiễm mới trong những ngày tới.

Liên quan đến ca bệnh 867 (BN867), là nam (63 tuổi, ở huyện Bình Giang, Hải Dương), lãnh đạo huyện Thanh Trì (Hà Nội), nơi BN 867 lưu trú, cho biết lịch trình đi lại của bệnh nhân này rất phức tạp. Về tiểu sử dịch tễ, bệnh nhân không đến Đà Nẵng hay các ổ dịch khác, bệnh nhân không có bệnh lý mãn tính, qua điều tra không biết nguồn lây nhiễm là ai, ở đâu. "Nhiều khả năng bệnh nhân này lây nhiễm từ khi còn ở Hải dương do các triệu chứng khởi phát bệnh trước ngày bệnh nhân lên Hà Nội" - lãnh đạo huyện Thanh Trì nhận định.

Liên quan đến BN 867 có 1 ca nghi mắc là con rể của bệnh nhân này. F1 là 14 trường hợp, F2 là 89 trường hợp.

Chưa rõ bệnh nhân Covid-19 số 867 bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội - Ảnh 2.

Quán bia hơi Lộc Vừng bị phong toả do có liên quan đến BN 867

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Quốc gia, cho biết phải đặt câu hỏi BN 867 lây ở đâu, hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm ở Hải Dương hay ở Hà Nội nên phải đặt vấn đề và điều tra, tìm ra các yếu tố lây nhiễm.

Kết luận cuộc họp, ông Ngô Văn Quý cho biết còn có những tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống dịch vì nhiều ca bệnh không xác định được nguồn lây, người từ Đà Nẵng về vẫn chưa được nghiệm hết. Hà Nội vẫn có nguy cơ vì vậy cần phải thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không lơ là chủ quan, không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn.