Đừng để chết vì học kỹ năng sống!

25 học trò mầm non, tuổi từ 1 đến 5, quây quần bên mâm cồn xem cô giáo thị phạm kỹ năng chữa cháy và thoát hiểm. Ngọn lửa phụt lên, gặp gió lớn tạt qua cửa sổ, thổi bùng, cồn đang cháy văng vào đám trẻ. Ba cháu tuổi từ 3-5 bị phỏng, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch khi diện tích phỏng trên cơ thể mỗi cháu 50%-60%. Thật tội nghiệp!

Trường hợp đau lòng nói trên vừa xảy ra tại một trường mầm non tư thục ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Cô giáo dạy kỹ năng sống gây cháy, phỏng cho các cháu cũng chính là chủ cơ sở này.

Sau vụ một bé trai 6 tuổi là học sinh Trường Quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong hôm 6-8 do bị bỏ quên trên xe đưa đón đóng kín cửa thì câu chuyện dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ một lần nữa được đề cao. Đây là yêu cầu cần thiết, không chỉ hữu ích cho các em mà phụ huynh nào cũng mong con em mình được trang bị những kỹ năng mềm song hành với tích lũy kiến thức.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Phương pháp dạy sao cho đúng? Ở độ tuổi nào thì phải học những kỹ năng nào?

Rõ ràng là trong vụ tai nạn ở trường mầm non tư thục tại Hà Nam, cô giáo đã làm sai phương pháp, đồng thời mơ hồ về cả mục đích lẫn yêu cầu. Cồn và lửa đều rất nguy hiểm với con người, với trẻ con thì tránh càng xa càng tốt. Dùng mâm chứa vải tẩm cồn rồi đốt, diện tích bề mặt lớn như vậy gặp gió to thì đại họa, không gây cháy trường là may! Và cũng chẳng thể nào hiểu nổi các bé từ 1 tới 5 tuổi nhiều em tự ăn uống, thay quần áo, vệ sinh còn chưa làm được thì học cách thoát hiểm và cứu hỏa khi có cháy để làm gì? Các cháu làm sao thực hành được? Chỉ cần bày dạy các cháu cách chạy tránh đám cháy là đủ. Cũng không nên dùng tới những giáo cụ nguy hiểm đó, sao không dạy qua video - vừa hiệu quả vừa an toàn?

Hàng loạt câu hỏi đặt ra như thế song cũng đã muộn, hậu quả thương tâm đã xảy ra. Nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đều có hướng dẫn khá chi tiết về dạy kỹ năng sống trong trường học, ứng với từng cấp học có những nhóm bài học khác nhau, phù hợp trình độ nhận thức cũng như kỹ năng thực hành của học sinh. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì cơ quan quản lý giáo dục các cấp chẳng thể nào nắm được từng trường tổ chức dạy kỹ năng sống như thế nào, nhất là trong hệ thống trường tư thục. Vì quá "xa mặt trời", họ dạy những gì, dạy thế nào, hiệu quả ra sao... chẳng ai biết, chỉ đến khi xảy ra hậu quả lớn thì mới biết. Đó là chưa nói đến vô số khóa dạy kỹ năng sống tự phát chiêu sinh và thu phí đang tràn lan hiện nay.

Được Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo vụ bỏng cồn, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam phải rà soát rồi mới có thông tin để báo cáo, kèm theo là nhắc nhở, cảnh báo. Cũng như vụ học sinh tử nạn ở Trường Gateway, ngay sau đó đã có chỉ đạo kiểm tra việc cấp phép cho các trường quốc tế. Kiểu quản lý "mất bò mới lo làm chuồng" như thế trước nay khá phổ biến và bao giờ cũng vậy, học sinh luôn là đối tượng đầu tiên hứng chịu hậu quả.