Không thể lơ là cạm bẫy với trẻ

Buổi tập huấn về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng do Cục Báo chí tổ chức cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí hôm 14-10 có nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo đó, mỗi phút trên thế giới có 750.000 kẻ sử dụng internet để dụ dỗ trẻ em. Còn theo thống kê tại Việt Nam, 11% người chăm sóc trẻ chưa bao giờ dùng internet, chỉ 36% trẻ được dạy về an toàn trên mạng. Cứ 100 trẻ thì 1 em bị gợi ý gửi ảnh nhạy cảm, 2 em bị dụ dỗ trò chuyện tình dục... Ngoài ra, việc người lớn sẵn sàng đưa điện thoại như "cây kẹo ngon, đồ chơi thú vị" trong kiểm soát sự quấy khóc, bướng bỉnh của trẻ đang là thói quen phổ biến.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo trẻ từ tuổi 13 trở lên mới nên tương tác với các nền tảng mạng xã hội…

Liên hệ những con số trên với thực trạng quấy rối, lạm dụng, tống tiền, cưỡng ép… trẻ em thời gian gần đây, cho thấy có lý do từ sự buông lỏng, chủ quan, thậm chí thiếu hiểu biết của phụ huynh, nhà trường đối với các nguy cơ con em, học trò mình gặp phải. Ngay cả trong buổi tập huấn trên, trước câu hỏi "Các anh chị biết hoặc đang cài đặt tính năng hạn chế những trang mạng không phù hợp trong điện thoại trước khi đưa cho trẻ dùng chưa?", cả hội trường rộng lớn chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên. Các văn bản luật, số tổng đài bảo vệ trẻ em 111 cũng phải được chuyên gia nhắc đi nhắc lại như một lưu ý về kiến thức quan trọng đối với người tham dự…

Ngoài sự thận trọng cần thiết trong việc đưa thông tin, hình ảnh trẻ em của báo chí thì yếu tố kiến thức phụ huynh, kỹ năng của nhà trường, biện pháp từ các cơ quan liên quan phải được trau dồi và chú trọng hơn nữa. Muốn bảo vệ, hạn chế thấp nhất những tổn thương mà trẻ có thể gặp trên môi trường mạng thì phải quyết liệt mọi nơi, mọi thời điểm!