Làm rõ "kho số" của tội phạm

Tuần qua, trong các thông tin về hành vi sai phạm của một công ty mà Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, chỉ đạo lập ban chuyên án đấu tranh, Báo Người Lao Động từng bước chuyển tới bạn đọc thủ đoạn của các đối tượng liên quan.

Theo đó, bằng cách "vẽ" dự án, sử dụng "chân gỗ", dụ dỗ đặt cọc mua đất, Công ty Lộc Phúc - trụ sở tại TP HCM - đã chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của những người nhẹ dạ cả tin. Đáng nói, mỗi khách hàng được từng nhân viên "chăm sóc" bằng 1 số điện thoại. Khi khách hàng khiếu nại hay phản ứng, số điện thoại đó lập tức bị hủy, đồng nghĩa với liên lạc bị chặn.

Câu hỏi đặt ra là Lộc Phúc dùng "kho số vô tận" ấy từ đâu?

Nhiều năm nay, sự phiền phức mang tên sim rác được nhận diện và hạ quyết tâm xử lý. Gần đây, hồi tháng 7, đại diện Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định đến hết tháng 8-2023 chấm dứt triệt để tình trạng cuộc gọi rác với các biện pháp quyết liệt. Song, đến tháng 9, ít nhất Lộc Phúc đã có "câu trả lời" khác. Và, nhiều khả năng đây không phải là trường hợp duy nhất.

Cục Viễn thông nên công bố kết quả từ các biện pháp siết chặt sim rác, cuộc gọi từ những số không chính chủ. Bên cạnh việc xác định mức độ thực hiện cam kết đến đâu, điều này còn chỉ ra các nguyên nhân cùng biện pháp để hóa giải mối nguy từ việc dùng sim rác làm công cụ gây phiền hà, thậm chí phạm tội.