Ngăn chặn nạn du khách cố tình xin ăn

Nếu những "yêu sách tiền bạc" thông qua hình thức xin ăn kia rất khó xử lý thì không chỉ Phú Quốc mà các tỉnh, thành, cơ quan chức năng liên quan cần gỡ khó bằng những quy định chi tiết, rõ ràng.

"Xin chào… Chúng tôi đã đi du lịch mà không có tiền trong 5 năm nay. Hãy ủng hộ hành trình của chúng tôi. Cảm ơn".

Đó là những dòng bằng tiếng Việt mang tính "đòi hỏi" hơn nghĩa "than thở khó khăn" được viết trên bìa các-tông của 3 du khách nước ngoài đứng ở góc đường của TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hôm 28-1. Hình ảnh xấu xí tại địa điểm du lịch nổi tiếng trên gây bất bình dư luận.

Trả lời báo chí, lãnh đạo TP Phú Quốc kể trước đó cũng có một cô gái ngoại quốc ngồi trên vỉa hè xin tiền. Những trường hợp như vậy rất khó xử lý vì có yếu tố nước ngoài, không thể đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Còn theo tìm hiểu, hiện tượng du khách "ngang nhiên xin tiền" thời gian qua xuất hiện tại nhiều nơi tham quan, đô thị lớn của cả nước. Có 2 khả năng. Thứ nhất, đây là cách đi du lịch bằng mánh khóe trục lợi lòng hảo tâm. Thứ hai, chiêu trò "gây bão" dư luận, câu like khi đùa giỡn với lòng tốt của người dân bản địa thật thà. Cả 2 khả năng ấy đều để lại ấn tượng rất thiếu tích cực đối với những nơi họ đặt chân tới.

Còn nếu trên đường ghé thăm những địa điểm nổi tiếng của Việt Nam, họ bất ngờ gặp biến cố không mong muốn về tài sản thì địa chỉ tìm tới nên là cơ quan đại diện ngoại giao chứ không phải lề đường, góc phố… Do vậy, nếu những "yêu sách tiền bạc" thông qua hình thức xin ăn kia rất khó xử lý thì không chỉ Phú Quốc mà các tỉnh, thành, cơ quan chức năng liên quan cần gỡ khó bằng những quy định chi tiết, rõ ràng.

Người Việt Nam tốt bụng nhưng giữa tốt bụng với bị biến thành trò đùa là 2 nội dung khác nhau. Hãy làm bật lên sự khác nhau ấy bằng luật/những chế tài cụ thể và rạch ròi nhằm làm cơ sở xử lý triệt để.