Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

(NLĐO)- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề như thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam; Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch…

Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội chiều 10-11 tiếp tục tiến hành phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Nhóm vấn đề chất vấn với tư lệnh ngành lao động - thương binh và xã hội gồm: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch…

Vấn đề huy động, quản lý công tác thiện nguyện thời gian qua cũng nằm trong nhóm này.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Trách nhiệm trả lời chính các nhóm vấn đề chất vấn này là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình những vấn đề có liên quan.

Hoạt động chất vấn thực hiện theo hình thức "hỏi nhanh, đáp gọn". Mỗi lượt sẽ có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút; người trả lời chất vấn sẽ giải đáp không quá 3 phút cho 1 câu hỏi, trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Thông tin tranh luận được yêu cầu "chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau".