Quyết định dũng cảm, đúng đắn
Khi thực dân Pháp bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai, Xứ ủy Nam Bộ ra tuyên bố: "Cuộc kháng chiến bắt đầu!"… Như vậy, quyết định kháng chiến ở Nam Bộ là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt và dũng cảm
Quyết định Nam Bộ kháng chiến còn có ý nghĩa không chỉ liên quan trực tiếp đến vận mệnh của chính nước ta mà còn tác động đến các quốc gia, dân tộc nhiều nước trên thế giới.
Pháp tái chiếm Nam Bộ
Từ tháng 9-1943, tướng De Gaulle trong một cuộc họp với tướng Blaizot, chỉ huy một lữ đoàn quân thuộc địa đã chỉ thị nghiên cứu kế hoạch để chiếm lại Đông Dương. Năm 1943, một phái đoàn quân sự của thực dân Pháp được thành lập ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), lấy tên là Phái đoàn 5 (Mission 5), đại diện cho cái gọi là "Ủy ban Giải phóng Alger", một tổ chức do De Gaulle cầm đầu đang lưu vong ở đấy, có nhiệm vụ thu thập tình báo Đông Dương để chuẩn bị chiếm lại Đông Dương.
Nhân dân Sài Gòn nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù .Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 8-12-1943, tại Alger, tướng De Gaulle ra một tuyên bố, chủ trương duy trì ách thống trị của Pháp tại Đông Dương. Ngày 1-2-1944, những đơn vị lấy tên là "Lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương" được thành lập. Ngày 14-8-1945, sau khi phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, một số tên quan cai trị và sĩ quan Pháp đã nhảy dù xuống nhiều nơi ở Bắc Bộ và Trung Bộ... Như vậy, âm mưu của thực dân Pháp đã rất rõ ràng.
Điều đó đồng thời bác bỏ hoàn toàn các luận điệu cho rằng sau Thế chiến II thì các đế quốc sẽ chủ động trả độc lập, tự do cho các nước thuộc địa mà không cần phải chiến tranh, gây ra bao nhiêu tổn thất cho dân tộc!
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dự báo chắc chắn thực dân Pháp sẽ tiến hành xâm lược tái chiếm Nam Bộ, ngày 19-9-1945, Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đã ra lời kêu gọi: "Nếu người Pháp đánh chiếm chính quyền ở đây, nếu họ đem quân đội đến định cướp nước ta, biến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành xứ bảo hộ thuộc địa, dù dưới mặt nạ tự trị nào đi nữa thì quốc dân phải theo lệnh của Chính phủ sẽ:
- Tổng bãi công, không một ai cộng tác với giặc Pháp dưới bất kỳ phương diện nào.
- Kháng chiến đến cùng cho đến ngày toàn thắng để làm cho toàn cầu thấy rằng quốc dân ta quyết giữ nền độc lập, để làm hậu thuẫn cho Chính phủ Trung ương trong cuộc ngoại giao được thắng lợi. Trong kháng chiến, ta không được đụng chạm đến quân đồng minh, không sát hại đàn bà, trẻ em, dân thường.
- Nên sẵn sàng chuẩn bị tổng đình công và mở rộng kháng chiến ngay khi phát tờ lệnh này, đồng thời chờ lệnh của Chính phủ nếu người Pháp buộc ta phải sử dụng đến thủ đoạn nói trên".
Với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập hội nghị thông qua "Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ", trong đó xác định: "Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng", và ra tuyên bố: "Cuộc kháng chiến bắt đầu!"... Như vậy, quyết định kháng chiến ở Nam Bộ là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt và dũng cảm.
Giữ vững nền độc lập của nước nhà
Thực ra, chúng ta không có lựa chọn nào khác. Ngay sáng 23-9, chính quyền Nam Bộ đã họp tại nhà số 629 phố Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Tham dự có các nhân vật quan trọng của cách mạng Nam Bộ. Cuối cùng, hội nghị nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được kháng chiến, đồng thời thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch.
Ngày 24-9, Chính phủ ra huấn lệnh gửi quân dân Nam Bộ, đồng nghĩa với việc ủng hộ hoàn toàn chủ trương kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ. Ngày 26-9, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư biểu dương "lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ". Người khẳng định: "Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà".
Cùng ngày, Chính phủ ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân "Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ". Trong khi đó, hoạt động chống Pháp đã nổ ra từ sáng sớm 23-9 ở mọi mặt trận, bằng mọi vũ khí, với mọi lực lượng và mọi hình thức.
Trở lại với luận điểm các nước đế quốc sớm muộn gì cũng trao trả tự do, độc lập cho người dân bản xứ, xét ở điều kiện nước ta, mà bắt đầu từ Nam Bộ, nếu người Pháp có ý định đó hẳn họ không núp bóng quân Anh để trở lại nước ta. Dã tâm của thực dân Pháp là họ muốn giữ nước ta vẫn là một thuộc địa để khai thác tài nguyên, khai thác sức người, sức của và phục vụ các nhu cầu kinh tế, chính trị khác để làm lợi cho mẫu quốc. Cho nên ngoài Đông Dương, thực dân Pháp còn tiếp tục xác lập và duy trì quyền cai trị ở Madagascar, Cameroon, Morocco, Tunisia, Algeria…
Mãi đến khi không thể duy trì được quyền ấy, họ buộc phải trao trả nền độc lập cho các dân tộc, mà nguyên nhân quan trọng và có tác động trực tiếp là chiến thắng lịch sử ở trận Điện Biên Phủ, mở đầu cho sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa và chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Tinh thần kháng chiến đã nêu cao trong nước
Tường thuật của nhà báo Trần Tấn Quốc, người trực tiếp chứng kiến sự việc thời điểm đó: "Ngày 23-9 đã đến. Từ sáng sớm, quân đội Pháp và Ấn kéo đến chiếm các sở cảnh sát trong châu thành. Sở Mật thám Catinat (1) cũng đồng số phận. Các sở khác như Kho bạc, Nhà đèn cũng bị chiếm luôn. (...) Đến 23 rạng ngày 24-9, thình lình súng nổ đều trong châu thành. Dinh Hành chánh đã lọt vào tay quân đội Pháp sau cuộc chống cự của Cộng hòa vệ binh canh gác tại đây. Tiếp theo đó, một trận đánh đầu tiên xảy ra tại đầu cầu MacMahon (2). Quân Pháp - Ấn chia nhau canh gác các đầu cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu MacMahon, cầu Khánh Hội… (...) Kháng chiến. Hai tiếng này đã phổ thông trong dân chúng. Tinh thần kháng chiến đã nêu cao trong nước".
(1) Nay là trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao, nằm trên đường Đồng Khởi, quận 1.
(2) Nay là cầu Công Lý nối đường Nguyễn Văn Trỗi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.