Sau vụ phá rừng, kiểm lâm ra quân, lâm tặc biến mất!

Ngày 12-3, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã ký công điện khẩn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Kon Plông tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Kon Plông.

Động thái này diễn ra khi vừa qua trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn, trong thời gian dài, địa điểm khai thác ngay tại cánh rừng do UBND thị trấn Măng Đen quản lý.

Cụ thể, vụ phá rừng được phát hiện vào ngày 3-3, tại một cánh rừng nằm tiếp giáp giữa thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành của huyện Kon Plông và huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum). Qua kiểm đếm, cơ quan chức năng xác định tại hiện trường có 26 cây gỗ đường kính từ 30-80 cm bị chặt hạ. Lâm tặc đã đưa đi khối lượng lớn gỗ, còn lại 33 lóng gỗ với khối lượng 36,3 m3.

Sau vụ phá rừng, kiểm lâm ra quân, lâm tặc biến mất! - Ảnh 1.

Một trong những lóng gỗ còn sót lại sau vụ phá rừng

Theo ông Bùi Quốc Đổng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, sau khi phát hiện vụ việc, các lực lượng gồm kiểm lâm, công an và người của UBND thị trấn Măng Đen đã mặc thường phục, chia nhau mật phục tại các tuyến đường dẫn vào hiện trường để chờ khi lâm tặc quay lại lấy gỗ sẽ vây bắt. Tuy nhiên, sau nhiều ngày mật phục vẫn không phát hiện được đối tượng nào. "Có thể sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, những người khai thác gỗ biết thông tin nên không quay lại hiện trường" - ông Đổng nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, để việc phá rừng diễn ra thuận lợi, lâm tặc đã mở đường rộng khoảng 3 m, tiến sâu vào trong lõi rừng. Dọc con đường này cũng có hàng chục đường "xương cá" hai bên để khai thác gỗ. Dọc các đường "xương cá" này có rất nhiều cây đã bị triệt hạ, chỉ còn trơ lại phần gốc.

Ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen, cho biết địa phương được giao quản lý 403 ha rừng nhưng chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn nên khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, phần diện tích trên sẽ được giao lại cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý. "Hằng tuần, hằng tháng chúng tôi đều có kế hoạch đi tuần tra, kiểm soát tại các lâm phần được giao quản lý. Để xảy ra phá rừng, chúng tôi là đơn vị được giao quản lý nên phải chịu trách nhiệm" - ông Lâm thừa nhận.