Vùng đất của "ông ba mươi"

"Cọp núi Lá, cá sông Hinh", "Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận"… - nhiều ngạn ngữ về "ông ba mươi" cho thấy cọp từng hiện diện dày đặc ở vùng đất Phú Yên - Khánh Hòa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Huiền Ân lý giải rằng dãy Trường Sơn chạy đến Nam Trung Bộ thì tỏa rộng ra. Vùng này phía Ðông là ruộng đồng biển cả, phía Tây là núi cao rừng già, ở giữa là thảo nguyên êm đềm. Phú Yên - Khánh Hòa đất đai tươi tốt với nhiều nai, hươu, thỏ rừng…, là môi trường lý tưởng cho cọp tìm mồi. Vì vậy mà cọp Phú Yên - Khánh Hòa xưa kia nhiều là vậy.

Vùng đất của ông ba mươi - Ảnh 1.

Núi Lá ở Phú Yên - khu vực từng nổi tiếng nhiều cọp

Ở Phú Yên, núi Lá là nơi từng nổi tiếng nhiều cọp. Núi này chỉ cao hơn 300 m, nằm dọc phía Nam sông Ba, phần lớn thuộc xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh. Ông Lê Cường - một thợ đóng giày ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; sau năm 1975 từng là nhân viên đội khai thác gỗ của Lâm trường Tuy Hòa - nhớ lại. "Lúc ấy, nghe lên núi Lá khai thác gỗ là ai cũng sợ. Ðến mùa trái đỏ chín vào khoảng tháng 8, cọp đến rình các loài thú tìm ăn trái đỏ, dấu chân chúng để lại dày đặc. Còn sẩm tối, nghe cọp gầm là chúng tôi lạnh sống lưng".

Theo nhiều bô lão ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên - cách núi Lá cả con sông Ba, hơn 40 năm trước, người dân thường chịu cảnh mất bò, heo vì "ông ba mươi" về làng. Ngày đó, người dân phải giăng lưới bên ngoài chuồng gia súc nhưng cọp chẳng sợ. Cứ tối đến là chúng bơi qua sông, lẻn vào làng tìm mồi.

Truông Bà Viên ở cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa cũng nổi tiếng nhiều cọp. Ông Trần Huiền Ân lớn lên tại nơi này nên biết rất nhiều về chuyện cọp ở đây. Theo ông, năm 1953, người dân đặt cũi trên các đồi tranh, có lần bắt được 5-6 con cọp.

"Thuở ấy, người ta phải đợi đủ 4-5 người mới dám đi qua truông. Ðầu truông đặt sẵn nhiều gậy vót nhọn, mỗi người vác một cây thẳng đứng trên vai để cọp không dám vồ. Ði hết truông, người ta để gậy lại cho khách bộ hành đi sau" - ông Ân cho biết.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban (ngụ TP Nha Trang), trong sách "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" (năm 1806), Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Ðịnh cho biết đường trạm dinh Bình Hòa (qua Khánh Hòa ngày nay) có 10 trạm. Ðoạn đường giữa các trạm có rất nhiều cọp. Chẳng hạn, từ trạm Hòa Thạnh (huyện Diên Khánh) đến Hòa Tân (huyện Cam Lâm ngày nay), núi Hòn Diễn có rất nhiều cọp beo nên không ai dám qua lại. "Quan trấn giữ Thành Diên Khánh phải mật cầu bà Chúa Ngọc trừ nạn cọp beo rồi sẽ lập miếu thờ. Vài hôm sau bắt được cọp dữ, khách qua lại đông đúc như trước nên mới lập miếu thờ bà Chúa Ngọc ở đây" - ông Ban kể.

Núi Hòn Diễn là 1 trong 3 địa danh nức tiếng nhiều cọp ở Khánh Hòa được đề cập trong "Ðại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn. Hai địa danh còn lại là núi Xích Thố (cách thị xã Ninh Hòa về hướng Bắc 10 km) và núi Phú Như (thuộc huyện Vạn Ninh ngày nay). Trong "Non nước Khánh Hòa", nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Ðình Tư viết: "Nơi này cây cối rậm rạp, cọp beo lui tới rất nhiều và gây tai họa cho khách đi đường. Dân chúng phải làm miếu để thờ, thường gọi là miếu ông cọp".

Phú Yên - Khánh Hòa cọp nhiều nên vùng này có rất nhiều miếu ông cọp và cũng có hàng loạt câu chuyện dân gian về "đả hổ". Ông Nguyễn Văn Khải (87 tuổi; ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cho biết ông nội của ông rất giỏi võ nhưng quyết không truyền lại cho con cháu vì cụ cho rằng cọp nghe ai học võ thì sẽ "tìm cách thử". Thế nhưng, cô con gái út của cụ là bà Nguyễn Thị Út vẫn nằng nặc đòi học võ. Cụ không thể từ chối nên đành dạy võ cho con gái, trong đó có bí kíp khi thất thủ.

"Một lần qua đèo Quán Cau, bà Út gặp một con cọp 3 chân. Cọp và người đánh nhau từ sáng đến chiều, đuối sức mà vẫn không phân thắng bại. Nhớ bí kíp cha dạy, bà bảo: "Ông và tôi đều mệt. Thôi thì tôi nằm xuống đây, nếu ông nhảy được qua người tôi thì ông thắng, mạng này tôi sẽ giao cho ông". Nói rồi, bà nằm xoay đầu về hướng cọp. Cọp ta mừng rỡ, lấy đà phóng qua người bà Út. Vừa thấy bóng cọp nhảy qua, bà vút chân đá thẳng lên, trúng ngay hạ bộ nó. Con cọp rống lên rồi cụp đuôi chạy thẳng vào rừng" - ông Khải nhớ lại câu chuyện truyền miệng trong gia đình.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân kể lại câu chuyện bi hài về một người thợ rừng khoe khoang giỏi võ. Hôm đó, ông ta vào rừng sớm, một lúc sau dân làng cũng theo chân. Khi gặp người thợ rừng, họ thấy ông ta chống đòn xóc đứng sững, phía trước là con cọp trong tư thế chuẩn bị tấn công. Dân làng hô hoán, con cọp liền bỏ chạy.

Một lát sau, người thợ rừng mới hoàn hồn, lắp bắp: "Tôi tới đây thì gặp ông ấy. Thấy ông ấy muốn xông lên, tôi... xuống tấn. Ông ấy sợ quá nằm yên… thì mấy ông tới". Té ra, người thợ rừng này gặp "ông ba mươi" và… chết điếng, đứng như trời trồng. Con cọp nhìn cây đòn xóc dựng đứng, ngỡ ông ta "giỏi võ" nên thủ thế chờ đợi. Nếu dân làng không đến kịp thì chưa biết sự thể ra sao!

Trong "Chuyện cọp Khánh Hòa", nhà nghiên cứu văn hóa Lê Quang Nghiêm cũng kể một câu chuyện thú vị về ông thầy thuốc và gia đình nhà cọp tại truông Láng Chu Láng Nhớt (huyện Vạn Ninh ngày nay). Hôm ấy, ông thầy thuốc người Nghệ An đi ngang qua đây, bị 4 con cọp xông ra chặn đường. Sợ hãi, ông thầy thuốc cầm cây dù chĩa về gia đình nhà cọp rồi giương lên sập xuống. Vậy mà, 4 con cọp to lớn hoảng hốt vì tưởng ông ta có vũ khí lợi hại, chúng vừa tháo chạy vào rừng vừa "són" đầy đường!

Nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) trong quyển sách "Xứ trầm hương" cho rằng cọp hiền hay dữ là do thủy thổ. "Cũng như người, cọp "dĩ hòa vi quý". Bởi vậy, tuy xứ nhiều cọp, cổ nhân vẫn đặt tên: Khánh Hòa" - ông đúc kết.