Thư viện sách nói Hướng Dương: Thắp sáng tương lai người khiếm thị
Thư viện sách nói Hướng Dương dù hoạt động phi lợi nhuận nhưng luôn cập nhật, cải tiến chuyên môn.
Đây là thư viện sách nói dành cho người mù do chị Nguyễn Hướng Dương sáng lập, ra đời vào tháng 5-1998, hiện tọa lạc ở phường Tân Định, TP HCM. Năm 2018, chị Nguyễn Hướng Dương qua đời vì tai nạn. Người đầu tàu mất đi nhưng nhiệt huyết vẫn còn mãi, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên, Hội đồng Quản lý Quỹ từ thiện sách nói cho người mù và nhân viên thư viện vẫn quyết tâm duy trì hoạt động.

Các kỹ thuật viên và phát thanh viên đọc sách tại Thư viện sách nói Hướng Dương (Ảnh: THƯ VIỆN SÁCH NÓI HƯỚNG DƯƠNG)
Suốt 27 năm hoạt động bền bỉ, thư viện đã sản xuất hơn 3.000 tựa sách, với 475.000 bản sách nói và trên 20 triệu lượt truy cập. Sách của thư viện đa dạng thể loại: lịch sử, khoa học, văn học, kỹ năng sống, giáo dục, y học... Đặc biệt, thư viện còn cập nhật các bộ sách giáo khoa từ tiểu học đến đại học, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên khiếm thị.
Anh Trần Anh Khôi, Giám đốc thư viện, cho biết sau đợt đăng tuyển gần đây, thư viện nhận được rất nhiều đơn đăng ký trở thành tình nguyện viên đọc sách. Thư viện sách nói Hướng Dương hiện có đội ngũ tình nguyện viên đọc sách, dò đọc, tóm tắt sách, truyền thông… hơn 100 người Việt Nam và ngoại quốc. Riêng khâu đọc thu âm hiện còn khoảng 50 người chờ thẩm định giọng và xếp lịch thu âm khi có chỗ trống.
Đại diện ban sản xuất cho biết những năm gần đây, thư viện chú trọng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, từ đánh giá nội dung, thu âm, xử lý hậu kỳ đến bổ sung hiệu ứng âm thanh và kiểm duyệt kỹ lưỡng trước khi phát hành. Công nghệ cũng được ứng dụng vào quản lý và sản xuất để nâng cao hiệu quả.
Anh Vũ Trọng Thanh, biên tập viên tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết đã có 12 năm gắn bó với Thư viện sách nói Hướng Dương, mỗi sáng thứ bảy từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút là anh đến phòng thu. "Với tôi, công việc này vừa là sở thích, niềm vui vừa góp phần nhỏ bé đưa những cuốn sách hay đến những bạn khiếm thị" - anh Thanh chia sẻ.
Những thanh âm dịu dàng đã mở ra một thế giới mới cho người khiếm thị - nơi tri thức, cảm xúc và ước mơ được lắng nghe bằng cả trái tim.
Bên cạnh hoạt động sản xuất và phổ cập sách nói, Quỹ Hướng Dương còn nhiều hoạt động khác như giải cờ vua cho người khiếm thị, tặng gậy dò đường cho người khiếm thị, trao Học bổng Hướng Dương, Học bổng Ánh Sen, dạy tin học, hướng dẫn kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh cho người khiếm thị…