Tiềm ẩn rủi ro khi sản xuất theo phong trào
Tình trạng cung vượt cầu đang diễn ra với nhiều loại trái cây ở ĐBSCL
Tình trạng này diễn ra sau thời gian nhà vườn đồng loạt mở rộng diện tích, bất chấp cảnh báo về nguy cơ dư thừa sản lượng của ngành chức năng
Những ngày qua, giá nhiều loại trái cây tại ĐBSCL liên tục xuống thấp. Thậm chí, thương lái nhiều khi không đến thu mua khiến nhà vườn lo lắng.
Sầu riêng thành "sầu chung"
Với sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, giá thu mua Ri6 loại A tại vườn chỉ còn 54.000 - 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng; loại VIP ổn định hơn với 65.000 - 70.000 đồng/kg. Tương tự, sầu riêng Thái loại A cũng giảm còn khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg; loại Thái VIP còn 100.000 - 105.000 đồng/kg.

Xuất khẩu, tiêu thụ gặp khó nên giá sầu riêng đang giảm mạnh
Những loại sầu riêng không đạt chuẩn xuất khẩu, bán ở thị trường trong nước có giá thấp hơn từ 25.000-30.000 đồng/kg. Trước đây, lúc sầu riêng "gặp thời", thương lái thu gom hết tại nhà vườn để xuất khẩu hoặc đem lên TP HCM hay đưa vào siêu thị; số lượng tiêu thụ ở chợ địa phương rất ít, nhưng nay thì ngược lại.
Tại các chợ ở TP Cần Thơ hiện nay, sầu riêng được bày bán khá nhiều nhưng cũng ế ẩm. Bà Lê Thị The - tiểu thương bán trái cây ở chợ Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ - cho biết: "Con tôi chuyên mua sầu riêng tại nhà vườn, gần đây mỗi ngày chỉ thu khoảng 200 - 300 kg, bằng một nửa mọi khi, để bán lại cho tiểu thương ở chợ. Con tôi nói nhà vườn còn rất nhiều sầu riêng do thương lái không thu mua".
Mức giá thu mua xuống thấp và thương lái vắng bóng khiến nhà vườn trồng sầu riêng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Đối mặt thực trạng này, nhiều nhà vườn ở các huyện Phong Điền, TP Cần Thơ hay Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang buộc phải tìm hướng đi mới. Họ tìm cách mang sầu riêng ra ven đường bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc thuê xe tải chở đến gần những điểm du lịch trong dịp lễ 30-4, 1-5 bán cho du khách.
Tại các điểm này, giá sầu riêng Ri6 được rao bán từ 30.000-60.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và kích cỡ, cao hơn so với giá tại vườn. Ông Nguyễn Văn Bé Bảy, chủ nhà vườn sầu riêng ở huyện Phong Điền, giải thích: "Do sản lượng sầu riêng quá lớn trong khi thương lái thu mua hạn chế, chúng tôi phải huy động cả gia đình mang ra bán ven đường, được phần nào hay phần đó, miễn là không để trái chín rụng trong vườn".
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh - chủ nhà vườn ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - vườn sầu riêng của ông vừa thu hoạch được khoảng 9 tấn và đã bán 6 tấn với giá chỉ 40.000 đồng/kg. "Tôi đã livestream trên mạng xã hội để bán 3 tấn còn lại nhưng tiêu thụ không bao nhiêu. Thương lái cũng không tới thu mua, tôi không biết tính sao nữa" - ông bồn chồn.
Nhiều nhà vườn cho hay việc giá sầu riêng giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của họ, nhất là với những người đã đầu tư lớn. Nguyên nhân được cho là do sản lượng sầu riêng năm nay tăng cao, trong khi thị trường xuất khẩu, tiêu thụ gặp khó khăn.
Hơn 2 năm nay, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc thì diện tích trồng loại trái cây này ở một số địa phương ĐBSCL tăng mạnh. Đơn cử tại TP Cần Thơ, diện tích trồng sầu riêng năm 2015 chỉ 537 ha thì đến năm 2024 đã tăng vọt lên 4.500 ha
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: "Từ lâu, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân thận trọng khi tăng diện tích sầu riêng; chỉ nên trồng ở vùng chuyên canh, tập trung để có thể liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ; sản phẩm phải đạt chất lượng cao, an toàn, bảo đảm truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu".
Chọn cây trồng phù hợp
Vĩnh Long là một trong những địa phương có diện tích trồng cam sành tăng nhanh ở ĐBSCL. Năm 2020, tỉnh này chỉ có 14.000 ha trồng cam sành, đến năm 2022 đã tăng lên 17.000 ha và năm 2024 là 18.000 ha.
Khoảng 5-7 năm trước, giá cam sành luôn ở mức cao, với 15.000-25.000 đồng/kg, giúp nhiều nhà vườn làm giàu nhanh chóng. Dù vậy, những năm gần đây, giá cam liên tục xuống thấp, hiện chỉ còn 2.000 - 3.500 đồng/kg.

Giá cam sành thu mua tại nhà vườn hiện chỉ còn 2.000-3.500 đồng/kg
Ông Võ Văn Nhân - ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - cho hay 5 năm trước, khi đi xuất khẩu lao động về, ông thấy nhiều nhà vườn ở địa phương trồng cam sành thu lợi nhuận cao. Sẵn có một khoản tiền tích cóp được, nhà lại có vườn nên ông quyết định vay thêm ngân hàng, đầu tư trồng loại cây này trên diện tích 2 ha.
"Đến khi vườn cam có thể thu hoạch thì giá bắt đầu giảm, tôi thua lỗ mấy vụ liền. Năm ngoái, giá cam sành còn 5.000 đồng/kg nhưng nhà vườn vẫn có thể hòa vốn. Nhưng năm nay, từ đầu vụ, thương lái chỉ mua 2.000 đồng/kg và hiện là 3.500 đồng. Với giá này, nhà vườn lỗ 30-40 triệu đồng/công đất. Đến nay, tôi vẫn chưa thu hồi được vốn trong khi còn nợ tiền ngân hàng, chỉ vì sản xuất theo phong trào" - ông Nhân hối tiếc.
Theo lãnh đạo một công ty chuyên phân phối trái cây ở Vĩnh Long, người dân nhiều địa phương có xu hướng chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cây ăn trái theo phong trào. Xu hướng này có thể giúp nâng cao thu nhập trước mắt nhưng về lâu dài, việc phát triển sản xuất tự phát, thiếu định hướng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông phân tích: "Khi nhiều người cùng chạy theo phong trào, trồng một loại cây ăn trái thì sản lượng sẽ tăng đột biến, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá rớt mạnh. Chưa kể, mỗi loại cây đều có yêu cầu sinh thái riêng, nếu không phù hợp với vùng đất sẽ sinh trưởng kém, dễ mắc sâu bệnh và năng suất thấp. Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho nhà vườn mà còn làm lãng phí đất và công lao động".
Để phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững, ngành nông nghiệp nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn cây trồng phù hợp điều kiện địa phương, đồng thời tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, cần chú trọng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để có tiếng nói chung khi tiêu thụ sản phẩm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I/2025 đạt 1,14 tỉ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Sầu riêng từng là mặt hàng chủ lực, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2024, khiến kim ngạch thấp hơn cả chuối và thanh long. Trung Quốc đang kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng từ các nước, bao gồm Việt Nam, dẫn đến tình trạng hàng hóa phải chờ lâu tại cửa khẩu, dễ hư hỏng và giảm chất lượng.
