Tiên phong làm "bà đỡ" vốn cho doanh nghiệp

Thông qua HoSE, đã có hàng trăm doanh nghiệp trên sàn "nương tựa" vào dòng vốn phát hành từ TTCK để "thăng hoa"

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã đồng hành với sự phát triển của TP HCM trong vai trò là bệ đỡ, là kênh dẫn vốn để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh và vươn mình.

Ngày 5-5-2025, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) sẽ chính thức đưa vào vận hành Hệ thống Công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX). Đây là một bước tiến mới đánh dấu cột mốc quan trọng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, cũng là điểm son hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập và phát triển của HoSE.

Hành trình vươn mình

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc phát triển sản phẩm số Công ty CP Chứng khoán SSI, cho biết KRX sẽ giúp hệ thống tăng tốc độ trong việc xử lý lệnh, bảo đảm khớp lệnh với khối lượng lớn thông suốt, mượt mà… 

Đồng thời cũng là công cụ kiểm soát các giao dịch trên thị trường, tăng tính minh bạch, là nền tảng quan trọng để triển khai nhiều sản phẩm mới sau này, đặc biệt là hướng đến nâng hạng TTCK. Theo dự báo của các công ty chứng khoán thành viên, khả năng xử lý lệnh của KRX có thể đạt 4 tỉ USD/phiên (khoảng 96.000 tỉ đồng), gấp nhiều so với mức giao dịch hiện tại.

Nói về lịch sử hình thành, những người tiên phong thời kỳ đầu rất ấn tượng về sự lớn mạnh và nhiều thăng trầm của TTCK Việt Nam mà trong đó HoSE là điểm nhấn. Chính thức khai trương vào ngày 20-7-2000, với tên gọi Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM, 1 tuần lễ sau (28-7-2000), phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên với 2 mã chứng khoán REE (Công ty CP Cơ điện lạnh) và SAM (Công ty CP Đầu tư Phát triển Sacom) chính thức vận hành. 

VN-Index khởi điểm ở mức 100 điểm, với tổng giá trị giao dịch chỉ 92 tỉ đồng và khối lượng giao dịch 3,6 triệu cổ phiếu. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, trên HoSE có 5 cổ phiếu và 4 trái phiếu được niêm yết, với tổng giá trị niêm yết lần lượt đạt 321,178 tỉ đồng và 1.183 tỉ đồng.

Tiên phong làm "bà đỡ" vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bạn bè quốc tế thăm Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM trong ngày đầu khai trương (20-7-2000). Ảnh: T.L

Những ai tham gia TTCK từ đầu sẽ rất khó quên giai đoạn 2006-2015. Khi đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp (DN) niêm yết bằng ưu đãi thuế. Đặc biệt với sự có mặt của Vietcombank (VCB) không chỉ đẩy tổng vốn hóa thị trường từ vài trăm tỉ đồng lên hơn 1 triệu tỉ đồng mà HoSE bắt đầu thu hút sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế. Đến cuối năm 2015, HoSE đã có hơn 300 công ty niêm yết, với giá trị giao dịch bình quân 3.000 tỉ đồng/phiên.

Đến cuối tháng 3 vừa qua, HoSE ghi nhận VN-Index đạt 1.306 điểm. Toàn sàn có 568 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch, với tổng khối lượng đạt hơn 175,12 tỉ chứng khoán với giá trị trung bình 20.800 tỉ đồng/phiên. Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HoSE đạt hơn 5,45 triệu tỉ đồng, tương đương 47,4% GDP năm 2024, chiếm hơn 93,55% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường. Cả nước có hơn 9,6 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 9,6% dân số cả nước.

Đặc biệt, theo thống kê trên sàn HoSE, 25 năm qua đã có đến 90% công ty niêm yết tăng vốn điều lệ từ 10 đến 50 lần và trở thành "đại bàng" trên sàn niêm yết. Đến đầu tháng 4, đã có hơn 40 DN trên sàn có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, trong đó có 2 DN có vốn hóa trên 10 tỉ USD là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Vượt khó

Sau cơn bùng nổ thì giai đoạn 2016-2021, HoSE đối mặt với thách thức, thanh khoản sụt giảm rồi đến hệ thống giao dịch cũ quá tải, đến tác động của đại dịch COVID-19. HoSE đã phối hợp với FPT triển khai hệ thống giao dịch tạm thời, nâng khả năng xử lý từ 900.000 lệnh/ngày lên 2-3 triệu lệnh/ngày, giải quyết vấn đề nghẽn lệnh. Từ đó thúc đẩy thị trường đạt dấu mốc mới. Đầu năm 2022, TTCK Việt Nam ghi dấu cột mốc quan trọng VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm, vốn hóa thị trường HoSE lúc đó xấp xỉ 6 triệu tỉ đồng.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính DN - ĐH Kinh tế TP HCM, khẳng định không thể phủ nhận vai trò là "cầu nối" với thị trường quốc tế của HoSE. Với tỉ trọng khoảng 30% trong rổ chỉ số thị trường cận biên của MSCI và FTSE Russell, Việt Nam mà thông qua HoSE là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế. Các sản phẩm giao dịch trên HoSE, từ cổ phiếu đến chứng khoán phái sinh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, tạo nền tảng để Việt Nam tiến tới nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Không phải tự nhiên mà bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, quyết định niêm yết ngay khi lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lúc đó vận động. Bởi bà Mai Thanh hiểu rõ việc niêm yết cổ phiếu lên sàn là chấp nhận "show" sự minh bạch, là tạo thanh khoản cho cổ đông. 

Và từ cổ phần hóa, niêm yết lên sàn đều tiên phong thì REE cũng là DN vay nước ngoài theo hình thức trái phiếu chuyển đổi, niêm yết trên sàn chứng khoán. "Nếu không có TTCK, không có HoSE chắc chắn sẽ không có REE lớn mạnh với giá trị ban đầu chỉ 1 triệu USD mà hiện nay đã là 1 tỉ USD và là một trong những bluechip phát triển lành mạnh, bền vững" - bà Mai Thanh khẳng định.

TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh TTCK Việt Nam, mà HoSE là trụ cột, được xem là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, phản ánh sức khỏe tài chính và triển vọng tăng trưởng của quốc gia, là "bệ phóng" tích cực nâng đỡ để các DN niêm yết cổ phiếu và trái phiếu, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ công chúng và nhà đầu tư tổ chức. 

Tuy nhiên, vai trò của HoSE sẽ được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của thị trường, từ một vai trò làm sao đưa được những DN niêm yết đến việc thu hút nhà đầu tư cho giai đoạn hình thành thì nay HoSE phải bảo đảm vai trò giám sát sự tuân thủ pháp luật của các bên tham gia thị trường, từ chất lượng thông tin công bố đến việc xử lý các giao dịch bất minh để bảo vệ nhà đầu tư... 

Ông NGUYỄN DUY HƯNG, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI:

Ăn, ngủ cùng chứng khoán

Thông qua HoSE, đã có hàng trăm DN trên sàn "nương tựa" vào dòng vốn phát hành từ TTCK để "thăng hoa", trở thành cánh chim đầu đàn của nền kinh tế Việt Nam. Là người đã tiên phong, đồng hành tham gia "xây những viên gạch" đầu tiên cho TTCK Việt Nam, bản thân tôi cũng vừa làm vừa học hỏi, đi khắp nơi từ Thái Lan, Hàn Quốc đến Mỹ… để tiếp thu kiến thức, đã phải "ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán" với ước mơ đưa TTCK lớn mạnh, bền vững.

SSI luôn là thành viên tích cực đóng góp quan trọng trong tất cả vấn đề liên quan đến "cái mới" triển khai trên TTCK cũng như thị trường tài chính. SSI rất thành công trong tư vấn cổ phần hóa DN Nhà nước, với nhiều thương vụ lớn, tạo tiếng vang, như thương vụ bán vốn Vinamilk, với giá trị 396 triệu USD… Ngoài ra, SSI còn đứng ở vai trò là "cửa ngõ" thu hút nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam.

Tiên phong làm "bà đỡ" vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính (thứ năm từ trái sang) và lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE cùng đại diện thành viên thị trường đánh cồng khai xuân phiên giao dịch chứng khoán 2025. Ảnh: SƠN NHUNG

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch HoSE, nhấn mạnh những năm vừa qua dưới sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, HoSE đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển TTCK và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thực hiện chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. HoSE cũng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm để đóng góp vào nền kinh tế.

Trong đó quan trọng nhất là bảo đảm hệ thống giao dịch chứng khoán, các hệ thống công nghệ thông tin khác và trung tâm dữ liệu dự phòng vận hành thông suốt, an toàn, ổn định, đáp ứng kế hoạch về quy mô thị trường trong tình hình mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của HoSE, để phù hợp với định hướng, mục tiêu mới. Đồng thời tập trung nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch cho thị trường và góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN, các tổ chức, cá nhân đầu tư chứng khoán.