Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập

(NLĐO) - Không ít nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn rơi vào cảnh đồng tiền mã hóa bất ngờ "bốc hơi", tài khoản bị khóa không lý do hoặc giao dịch nhầm trên sàn, ví giả mạo...

Thị trường tiền mã hóa đầu năm 2024 rất sôi động khi nhiều nhà đầu tư cho rằng mùa "uptrend" đang đến gần, chậm nhất là vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Uptrend là xu hướng tăng giá liên tục với biểu đồ giá thể hiện đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước.

Tiền số vào mùa

Ngay từ cuối năm 2023, giá một số đồng coin đã bắt đầu tăng, sau đó kéo dài đà tăng chóng mặt trong vài tháng gần đây khiến người theo dõi thị trường choáng váng. Đơn cử, Bitcoin (BTC) nhiều thời điểm gần chạm mốc 74.000 USD/BTC, tăng gấp khoảng 4 lần so với một năm trước; giá Ethereum (ETH) có lúc lên hơn 4.000 USD/ETH, cũng gấp khoảng 4 lần so với năm ngoái; đồng BnB tăng giá khoảng 3 lần... Giai đoạn này, nhà đầu tư cũ sẵn sàng mua vào, nhà đầu tư mới háo hức tham gia dù nhiều người chưa thật sự hiểu thị trường.

Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập- Ảnh 2.
Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập- Ảnh 3.

Sức hấp dẫn của thị trường tiền điện tử mùa "uptrend" khiến nhiều người lao vào đầu tư theo các hội, nhóm mà không lường trước hậu quả

Với tâm lý fomo (sợ bỏ lỡ), ông Nguyễn Minh Sang (quận Bình Thạnh, TP HCM) mạo hiểm rút 150 triệu đồng tiền tiết kiệm để đầu tư vào một đồng tiền điện tử giá rẻ, khoảng 0,25 USD/coin. Sau khi tham khảo ý kiến một số người đầu tư và thông tin từ các hội, nhóm trên mạng xã hội, ông Sang có niềm tin tuyệt đối vào dự án tiền số này.

"Thời gian đầu, tiền lãi trong tài khoản của tôi tăng đều đặn 200.000 - 300.000 đồng/ngày nhưng sau đó lỗ 50 triệu đồng dù không có thông tin tiêu cực nào" - ông Sang rầu rĩ.

Tiền số vào mùa

Biến động giá cực kỳ lớn của thị trường tiền số là rủi ro hàng đầu đối với nhà đầu tư song không ít người vẫn liều mạng, kể cả người từng có kinh nghiệm. Đầu năm 2023, anh Lê Trường Thành (nhân viên văn phòng tại TP HCM) đầu tư 80 triệu đồng để mua 2 đồng coin Near và Dot. Chưa kịp vui mừng vì lãi 10 triệu đồng chỉ sau 1 tháng thì tài khoản của anh không lâu sau đó đã âm 60%.

Quyết gỡ lại, đầu tháng 2-2024, anh Thành vét sạch túi được 180 triệu đồng mua đồng tiền số khác. Thấy tài sản tăng nhanh chóng, anh làm thủ tục vay thấu chi 200 triệu đồng ở ngân hàng để "tất tay" trong mùa uptrend được cho là "có một không hai" này.

"Nhiều người đầu tư tiền điện tử lâu năm cho rằng giai đoạn 2024 - 2025 là mùa tăng giá bùng nổ cuối cùng. Sau này, khi các quỹ hoán đổi danh mục ETH chính thức được phê duyệt, giá các đồng tiền số sẽ tăng chậm lại đáng kể" - anh Thành phân trần lý do quyết đầu tư vào thời điểm này.

Theo một nhà đầu tư, có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường uptrend như nhu cầu đầu tư tăng, sự phát triển của công nghệ và các tin tức tích cực. Uptrend là cơ hội kiếm lợi nhuận nhanh với biên độ lớn song cũng cực kỳ rủi ro vì từng có thời điểm giá coin tăng vọt rồi sập trong chớp mắt.


Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập- Ảnh 5.

Tiền số vào mùa

Không chỉ đối mặt với biến động giá rất lớn, người "chơi" tiền điện tử còn có nguy cơ gặp rủi ro bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng internet và blockchain.

Một tình huống gây bức xúc và thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư là bất ngờ bị sàn giao dịch khóa tài khoản vĩnh viễn không rõ lý do. Trên mạng xã hội X, chủ tài khoản G.E viết mới đây, anh bị sàn tiền số K. khóa tài khoản và có nguy cơ mất toàn bộ tài sản nếu không khiếu nại thành công. Ngay sau khi đăng bài viết, anh nhận được tin nhắn của nhiều nạn nhân tương tự cho biết họ cũng bị mất từ vài trăm đến gần chục ngàn USD. "Không loại trừ khả năng một số sàn có động cơ chiếm đoạt tài sản của người dùng thông qua những quy định mập mờ do sàn tự đưa ra dẫn đến người dùng vi phạm và bị khóa tài khoản" - G.E nêu nghi vấn.

Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập- Ảnh 7.

Một người "chơi" tiền điện tử bức xúc viết trên mạng xã hội về việc bị sàn giao dịch khóa tài khoản không lý do

Tinh vi hơn là thủ đoạn lập website, ứng dụng (app) giả, cập nhật biến động của thị trường không khác sàn giao dịch lớn để chiêu dụ người chơi. Chị N.TH. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh mới đây, chị được một người quen hướng dẫn tải app OKX để làm quen với thị trường tiền điện tử đang có nhiều tiềm năng.

Người này sau đó cung cấp website có đường dẫn okxsell.com và quảng cáo giá các đồng coin trên trang này rẻ hơn trên app. Tin tưởng, chị H. chuyển tiền 2 lần để mua coin và đều thành công, song đến lần thứ 3 thì app OKX cảnh báo có người lạ đăng nhập tài khoản, ngay sau đó toàn bộ số tiền của chị bị rút.

"Quá trình đó diễn ra rất nhanh. Khi vỡ lẽ mình bị đánh cắp thông tin và trang web okxsell.com là giả mạo thì người hướng dẫn tôi nạp tiền đã cắt đứt liên lạc, website cũng biến mất không dấu vết" - chị H. ngậm ngùi.

Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập- Ảnh 8.
Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập- Ảnh 9.

Sau một thời gian kết bạn với tài khoản Facebook Trần Chấn Sơn, chị N.K (TP HCM) được giới thiệu sàn giao dịch tiền điện tử compountwd.com. Ban đầu, chị chuyển 15.000 USD để mua tiền số và được hưởng hơn 3 triệu đồng tiền lãi. Tin tưởng, chỉ trong 3 ngày từ 16 đến ngày 18-3, chị tiếp tục nhiều lần chuyển tổng cộng hơn 300 triệu đồng vào các tài khoản khác nhau của Trần Chấn Sơn.

"Thế nhưng, khi thực hiện lệnh rút tiền, tôi nhận được thông báo lợi nhuận cao hơn 50% nên hệ thống từ chối cho rút, phải đóng 25% tiền thuế thu nhập cá nhân thì mới rút tiền về được. Lúc này, tôi mới biết mình đã bị lừa" - chị N.K cay đắng kể.

Tiền số vào mùa "uptrend", bẫy lừa rình rập- Ảnh 10.

Sau khi kết bạn với Facebook Trần Chấn Sơn và được dụ tham gia đầu tư tiền điện tử, nạn nhân đã bị lừa mất 300 triệu đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhóm lừa đảo thường lập sàn giao dịch giả mạo với những cái tên gần giống sàn đầu tư tiền kỹ thuật số lớn của nước ngoài như mexcglobal4.com, COIN918... Các đối tượng cũng lập nhiều nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, thường xuyên đăng tải hình ảnh nhận lãi khủng, mua nhà, mua xe... nhằm đánh vào tâm lý ham kiếm lời nhanh.

Thời gian đầu, nhóm lừa đảo cho người đầu tư có lãi để kích thích nạp thêm tiền. Khi "con mồi" sập bẫy, các đối tượng yêu cầu nạp thêm tiền thì mới rút được tiền gốc, sau đó chiếm đoạt và biến mất trên không gian mạng.

Tiền số vào mùa

Tiền số vào mùa

Tập đoàn Google hôm 4-4 đã kiện 2 công dân Trung Quốc tại tòa án liên bang New York (Mỹ) với cáo buộc lạm dụng cửa hàng app Google Play để lừa tiền của hàng ngàn người dùng thông qua hàng chục app đầu tư tiền điện tử giả.

Tiền số vào mùa

Cửa hàng Google Play trở thành nơi để tội phạm lừa đảo trên mạng lợi dụng

Theo hãng tin Reuters, Yunfeng Sun (Thâm Quyến, Trung Quốc) và Hongnam Cheung (Hồng Kông, Trung Quốc) đã lừa người dùng đưa tiền cho họ để đầu tư và chỉ cho phép nạn nhân rút số lượng tiền lãi ít ỏi. Khi người dùng cố gắng rút số tiền lãi lớn hơn thì phải đóng phí cao hơn.

Hai kẻ lừa đảo còn quảng cáo trên YouTube, mạng xã hội và làm thông cáo báo chí giả để tạo vỏ bọc "có vẻ hợp pháp" cho các app. Google cho biết họ đã vô hiệu hóa 87 ứng dụng giả của Sun và Cheung trong 4 năm qua, ước tính gần 100.000 người dùng trên toàn thế giới đã tải xuống.

Khó lường hơn là chiêu thức lừa đảo tình cảm. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các nạn nhân nữ, kẻ lừa đảo dùng tình cảm để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân bằng hình thức đầu tư tiền điện tử. Shreya Datta (37 tuổi, chuyên gia về công nghệ ở Philadelphia, Mỹ) mất hết tiền tiết kiệm và quỹ hưu trí trong khi phải gánh thêm một khoản nợ trong một vụ lừa đảo tinh vi mà người lừa cô đã sử dụng các video deepfake (ứng dụng đổi khuôn mặt) cùng một kịch bản phức tạp đến mức không thể ngờ được.

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động lừa đảo này, được cho là do các tổ chức tội phạm ở Đông Nam Á thực hiện, đã dẫn đến thiệt hại hàng tỉ USD ở Mỹ. Các nạn nhân cho biết có rất ít khả năng để lấy lại số tiền đã mất.

Tiền số vào mùa

Ứng dụng hẹn hò Hinge - con đường đưa Datta, một chuyên gia về công nghệ, trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi

Giống nhiều nạn nhân khác, thông qua một app hẹn hò tên Hinge, Datta quen một người đàn ông tự nhận là Ancel vào tháng 1-2023. Ancel giới thiệu mình là một nhà kinh doanh rượu vang người Pháp ở Philadelphia. Datta bị "hút hồn" trước Ancel và cả hai nhanh chóng chuyển sang trò chuyện trên WhatsApp. Người đàn ông này còn xóa hồ sơ tài khoản trên Hinge để Datta tin rằng đây là mối quan hệ nghiêm túc, đồng thời thường xuyên gửi những tin nhắn ngọt ngào và những bức ảnh được trí tuệ nhân tạo (AI) chỉnh sửa tinh vi.

Một thời gian ngắn sau đó, Ancel vẽ ra giấc mơ nghỉ hưu sớm cho Datta và bắt đầu hướng dẫn cô đầu tư tiền điện tử. Sau khi rút được số tiền kiếm được ban đầu từ ứng dụng giả, cô tự tin đầu tư nhiều hơn. Người đàn ông dụ dỗ cô rút hết tiền tiết kiệm, quỹ hưu trí và vay vốn thêm để đầu tư với số tiền lên đến 450.000 USD. Datta chỉ nhận ra tất cả là lừa đảo khi cô không thể rút được khoản tiền lãi và vốn gấp đôi số tiền ban đầu.

Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), năm ngoái, hơn 40.000 người đã báo cáo thiệt hại với tổng trị giá hơn 3,5 tỉ USD từ các vụ lừa đảo liên quan tiền điện tử.


HOÀNG YẾN - LÊ TỈNH - XUÂN MAI - KIM NGÂN
Anh Thanh