“Đi khám bác sĩ”

Không ít người la lên rằng “Tôi đi khám bác sĩ” là cách nói sai.

Lý lẽ là trong những câu “Tôi đi ăn liên hoan”, “Tôi đi xem đá bóng”, “Tôi đi nghe ca nhạc”, “Tôi đi hát karaoke”, “Tôi đi mua bánh”… đều là tôi ăn, tôi xem, tôi nghe, tôi hát, tôi mua…; còn “Tôi đi khám bác sĩ” thì tôi đâu có khám cho bác sĩ mà là tôi đến bệnh viện, đến phòng mạch để bác sĩ khám cho tôi. Vậy nên nói như vậy là sai lô-gíc.

“Lý lẽ” như vậy hóa ra “Tôi đi cắt tóc”, “Tôi đi sửa xe”, “Tôi đi may áo”, “Tôi đi nhổ răng”, “Tôi đi khám bệnh” đều là những cách nói sai? Ở những câu này đều là người ta cắt tóc, sửa xe, may áo, nhổ răng cho tôi. Vả lại, ai cũng nói như vậy thì không thể sai được.

Lối nói “đi khám bác sĩ” bắt nguồn từ hiện tượng rút gọn theo nguyên lý tiết kiệm trong ngôn ngữ. Khi giao tiếp, người ta dùng một lượng ngôn ngữ tối thiểu để truyền đi lượng thông tin tối đa. Nói ít mà người nghe vẫn hiểu đúng thì không việc gì phải nói dài. Trong hoàn cảnh cụ thể, một người bình thường tới bệnh viện thì chỉ có thể là để bác sĩ khám bệnh cho người đó. Vậy nên không cần mất công nói một câu dài lời “Tôi đi đến bác sĩ để bác sĩ khám bệnh cho tôi” mà nói gọn lại “Tôi đi khám bệnh ở bác sĩ” . Vẫn còn dài! Người ta rút gọn nữa: “Tôi đi khám bệnh” hoặc “Tôi đi khám bác sĩ”.

Trong tiếng Việt có quy luật người ta rút gọn (lược bỏ đi) những yếu tố mà vắng chúng người nghe vẫn nhận ra điều cần nói. Nhờ những yếu tố còn lại và nhờ tình huống giao tiếp, người nghe vẫn hiểu đúng ý của câu.