Hên xui hay hênh xui, từ đâu ra?
Bây giờ, hầu như ai cũng nói, cũng viết là “hên xui”.
Chúng tôi khẳng định phải viết là “hênh xui” mới đúng. Tại bài “Một số từ gốc Hoa trong phương ngữ Nam Bộ”, tác giả Tầm Hoan nêu: “‘Hên xui’ tức “hạnh tai” đọc theo âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông. “Hạnh” là “may”, “tai” là “xui”. Có lẽ chữ “xúi” trong “xúi quẩy” (tai quỷ?) là biến âm của chữ “xui” này.”(Nam Bộ xưa & nay, NXB TP HCM - Tạp chí Xưa & Nay, 1999).
“Hạnh tai” của Tầm Hoan, mà chữ Hán là 幸災, âm Quảng Đông đâu phải là “hên xui” hoặc na ná “hên xui”. Người Quảng Đông phát âm hai tiếng “hạnh tai” thành “hằng chói”, nghe ra chẳng dính dáng gì đến hai tiếng “hênh xui” cả. Về hàm nghĩa, chữ “hạnh” có nghĩa là vui mừng chứ đâu phải là may mắn, như Tầm Hoan nêu...
Trong bài “Về hai chữ hên và xui” (Ngôn ngữ & Đời sống, số 9-2002), Đào Văn Phái cho rằng “chữ hên dùng ở miền Nam có nghĩa là may, vận đỏ bắt nguồn từ chữ Hán Việt hưng 興 (nghĩa là “dấy lên”), do âm đọc chệch đi lâu ngày coi như Việt hóa”. Nhưng mối quan hệ giữa cái nghĩa “dấy lên” của chữ này và nghĩa của chữ “hênh” là may mắn thì lại rất mơ hồ.
Theo chúng tôi thì “hênh” là một từ Việt cổ mà phương ngữ Nam Bộ còn bảo tồn được, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 亨 mà âm Hán Việt hiện đại là “hanh”, nghĩa là thông suốt, thuận lợi, may mắn (Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là: “Điều may mắn trời cho. Điều phúc”). Xin nhấn mạnh rằng bộ ba -inh, -ênh, -anh vốn vẫn có duyên nợ ngữ âm lịch sử với nhau nên mối tương ứng “-anh ~ -ênh” ở đây là hoàn toàn bình thường: ảnh ương ~ ểnh ương; doành ~ duềnh; gành ~ ghềnh; buồn tanh ~ buồn tênh... Và vì “hanh” viết với -nh cuối nên “hênh” đương nhiên cũng phải viết với -nh cuối. Chữ “hênh” này thực ra là một với “hênh” trong “hớ hênh”; khác nhau ở chỗ trong “hênh xui” nó diễn đạt cái nghĩa “may mắn”, “có phước” còn trong “hớ hênh” thì lại diễn đạt cái nghĩa “trống trải”. Cả hai nghĩa này đều có trong nguyên từ (etymon) của “hênh” là chữ “hanh” 亨 gốc trong tiếng Hán. Khi mà hai nghĩa khác nhau lại có cùng một tương quan ngữ âm lịch sử như nhau thì, về từ nguyên học, đây là một mối quan hệ khá chắc chắn.